Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, sáng lập viên tập đoàn FPT, Hiệu trưởng Đại học trực tuyến FUNiX cho rằng, nước ta đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc cách mạng 4.0, một cuộc cách mạng có tốc độ phát triển nhanh chưa từng có trong lịch sử, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực đời sống, trong đó có giáo dục.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia giáo dục quốc tế, vai trò giáo viên trong thế kỉ XXI trở nên phức tạp ở một thế giới thay đổi nhanh chóng, nơi mà tri thức hầu như vô tận. Dạy học phân hóa phải được quan tâm đặc biệt. Người thầy phải quan tâm đến từng người, nhu cầu họ rất khác nhau trong lớp học không đồng nhất. Nhiệm vụ chính của giáo viên là tạo môi trường học tập, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội học theo phương pháp tích cực và sáng tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng chia sẻ, cách dạy cũ không thể tạo ra những công dân thích hợp cho thế kỉ XXI - những công dân toàn cầu. Mặt khác, theo ông Quang, người ta đã bắt đầu quan tâm đến câu hỏi của người học: đến trường để làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử... Đương nhiên, chức năng định hướng và dẫn dắt của nhà trường không thay đổi, nhưng không thể thực hiện theo mô hình dạy học cũ. Cần xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng đó là sáng tạo, phản biện và giáo dục.
Là một mentor (người hướng dẫn) của Trường Đại học trực tuyến FUNiX, anh Lê Hoàng Việt có những chia sẻ thú vị về phương pháp giảng dạy trong thời đại công nghệ 4.0. Với cách học trực tuyến, sinh viên tại đây học tập trên bài giảng là các học liệu mở (MOOC) từ internet và giao tiếp với thầy (ở đây là các mentor) qua các kênh trực tuyến như video, chat, team-view... Người học đa dạng độ tuổi, từ học sinh, sinh viên tới người đi làm các ngành nghề khác nhau.
Với đặc thù này, anh Việt đã áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để tương ứng với trình độ nhận thức của từng học viên. Định hướng chung, anh thường hướng dẫn và đặt câu hỏi để các bạn chủ động tìm hiểu, chứ không đưa sẵn kiến thức hay kết quả. Anh Việt chia sẻ, do kết nối trực tuyến 1 thầy 1 trò, học viên được bộc bạch không e ngại những thắc mắc riêng, và mentor cũng dựa trên kiến thức từng người để tiếp cận và giải đáp thông tin phù hợp.
Phương pháp này có thể gọi là "Lấy học viên làm trung tâm". Cũng theo mentor Hoàng Việt, phương pháp đào tạo truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm, tất cả kiến thức được truyền đạt thông qua thầy cô giáo, và thông thường thầy cô là người quyết định kiến thức đó có đúng hay không. Lấy học viên làm trung tâm - ngược lại sẽ đề cao quan điểm, suy nghĩ, cách làm... của học viên.
"Học viên có rất nhiều câu hỏi hay và thú vị, đưa ra các góc nhìn khác nhau về các vấn đề của môn học. Gần đây nhất, tôi và một học viên đã trao đổi khoảng hơn 2 tiếng liên tục về nội dung học. Từ lúc còn Hannah nhà trường hỗ trợ, sau đó khi hết phiên (23h) thì kết bạn qua Facebook cá nhân và tiếp tục trao đổi đến nửa đêm mới đi ngủ...", anh Việt kể lại.
Theo mentor Việt, kiến thức ngày nay có thể tự học, tự nghiên cứu và tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là từ Internet. Người thầy trong bối cảnh đó sẽ là người gợi mở và định hướng nhiều hơn là truyền đạt kiến thức.
Bàn về vai trò của giáo viên trong thời đại 4.0, mentor Hoàng Việt nhận định, cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đem lại nhiều phương tiện, công cụ, các hệ thống để hỗ trợ giáo viên cũng như cả ngành giáo dục đổi mới phương pháp giảng dạy hiện tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Tuy nhiên, để áp dụng các lợi thế này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều, từ tư tưởng giảng dạy (phải chấp nhận những vấn đề mới, quan điểm mới, có trường hợp sẽ không có đúng sai hoàn toàn..). Bên cạnh đó, giáo viên sẽ phải học sử dụng nhiều phần mềm, công cụ mới để thể hiện nội dung giảng dạy.
Một mentor khác tại FUNiX, anh Trần Mạnh Linh cho biết, nhiều học viên đến FUNiX với hiểu biết về công nghệ chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nhưng có động lực học tập rất lớn để thay đổi chính mình. Những mentor như anh - các chuyên gia công nghệ - bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, còn là người truyền cảm hứng để các học viên nỗ lực lĩnh hội kiến thức mới.
Đơn cử, trường hợp của sinh viên Chiến - làm nghề lái xe nhưng muốn thử sức với công nghệ thông tin. Mentor Linh cảm thấy đây là một trường hợp thú vị nên muốn thử sức đào tạo. Thời gian đầu, mọi chuyện khá khó khăn vì sinh viên chưa có kiến thức căn bản kết hợp với công việc bận rộn không có thời gian học nhiều. Mentor và sinh viên phải tranh thủ lách khe những khoảng thời gian hiếm hoi để kèm cặp học tập. Hiện anh Chiến đã gần học xong chứng chỉ thứ 3 của FUNiX, kiến thức lập trình khá tốt.
Không gian học tập cũng không còn bó hẹp trong khuôn khổ lớp học. Mentor Mạnh Linh cho biết, anh kết nối để hướng dẫn và giải đáp cho người học mọi lúc mọi nơi: giờ nghỉ trưa, khi đi xe bus hay ngay cả lúc đang gặp gỡ bạn bè. "Nhiều lúc đang họp mà điện thoại sáng liên tục vì sinh viên nhắn tin hỏi kiến thức", anh Linh kể.
FUNiX là nơi đầu tiên đưa khái niệm Mentor vào thực tế ở Việt Nam. Mentor không phải là thầy cô giáo truyền thống mà là là người hướng dẫn, đồng hành cùng sinh viên trên suốt chặng đường học tập. Họ chính là người hướng dẫn để sinh viên có thể tìm đúng kiến thức nhanh nhất và cũng là người động viên để sinh viên tự tin hơn về con đường mình đã chọn.
"Trong xu hướng học tập hiện đại, khi nào thầy cô giáo thay đổi vai trò thành Mentor thì đó là khi họ áp dụng được phương pháp giảng dạy lấy học viên làm trung tâm", anh Lê Hoàng Việt nhận định.
Anh Trần Mạnh Linh chia sẻ thêm, với sự thay đổi của phương thức kết nối giảng dạy và giáo dục, những người không đi theo con đường giảng dạy có cơ hội được truyền tải kiến thức, kinh nghiệm cho những người đi sau, cảm thấy không lãng phí những kiến thức mà mình đang có.
Thế Đan