Sức đề kháng của cơ thể con người với virus corona
Theo BS.CKI Đào Thị Yến Thủy - Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, virus corona là một loại siêu vi trùng nhỏ xíu nhưng đã, đang và sẽ gây ra những trận dịch lớn ảnh hưởng khắp thế giới về tốc độ lây nhiễm và số ca tử vong, bất chấp những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện chỉ có hệ miễn dịch "vi diệu" trong chính cơ thể con người mới tạo ra được "thuốc" giết chết virus corona.
Cũng như các loại virus khác, virus corona xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp sẽ gặp hệ thống hàng rào chống đỡ đầu tiên chính là những kháng thể không đặc hiệu IgA (có sẵn trên lớp màng nhầy bề mặt niêm mạc mũi, hầu, họng đường hô hấp, hoặc là đường ruột)... Nếu có độc lực mạnh vượt qua được hàng rào nhầy và IgA này, virus sẽ xâm nhập được vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, từ đó nhân đôi, nhân tư, nhân tám... Đến một mật độ virus đủ nhiều sẽ phá vỡ màng tế bào và xuất hiện nhiều virus trong dịch nhầy của niêm mạc mũi họng. Giai đoạn này nếu người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện với người khác thì khả năng lây lan bệnh sẽ rất cao.
Đặc điểm của dịch bệnh Covid-19 là nhiều người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ không phát bệnh, không có triệu chứng như sốt và ho, nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm virus cho người khác. Virus cũng có thể vào máu và lan đến những bộ phận khác trong cơ thể.
Sự xâm nhập của virus vào cơ thể sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch đặc hiệu để tạo ra kháng thể giai đoạn đầu IgM và giai đoạn sau IgG để giết chết tất cả virus tồn tại trong cơ thể. Mật độ virus trong dịch hô hấp sẽ giảm từ từ và biến mất. Người bệnh không còn lây nhiễm cho người khác nữa. Quá trình này thường mất một vài tuần.
Theo BS Đào Thị Yến Thủy, những người có hệ miễn dịch tốt sẽ tạo nhanh và nhiều kháng thể, bệnh sẽ nhẹ và nhanh khỏi, triệu chứng không có hoặc ít. Ngược lại, những người có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị phát bệnh hơn, bình phục lâu hơn. Đôi khi, cơ thể lại bị bội nhiễm thêm vi khuẩn hoặc có biến chứng nặng hơn.
Khi cơ thể bị suy dinh dưỡng, thiếu đạm hoặc các vi chất như vitamin A, vitamin C, sắt, kẽm... việc sản xuất kháng thể, các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng sẽ bị suy yếu. Cơ thể vì thế bị giảm sức đề kháng. Biểu hiện của việc suy giảm sức đề kháng chính là dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: viêm đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy... thường xuyên và kéo dài.
Chế độ dinh dưỡng tăng sức đề kháng
BS Đào Thị Yến Thuỷ cho biết chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động, ngủ đủ giấc, lối sống vệ sinh, chủng ngừa phòng bệnh, dùng thuốc hỗ trợ khi cần... là những điều cần làm để tăng miễn dịch.
Với trẻ em, cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 18-24 tháng để tận hưởng nguồn kháng thể và tế bào bạch cầu quý giá trong sữa mẹ. Chế độ ăn dù trẻ em hay người lớn cũng phải đủ năng lượng với các nhóm chất dinh dưỡng. Mỗi ngày 3 bữa ăn chính đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: bột đường (cơm, bún, mì, nui, khoai, bắp...), thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, đậu hũ...), dầu mỡ, rau và trái cây các loại.
Đạm
Đặc biệt cần lưu ý các nhóm chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng như chất đạm phải cung cấp đủ. Với người trưởng thành, bữa ăn chính cần tối thiểu 50-70g thịt, hoặc 70-90g cá hoặc tôm, 1 – 2 quả trứng hoặc 1 miếng đậu hũ... Uống 1-3 ly sữa mỗi ngày, cũng là nguồn cung cấp chất đạm thêm cho khẩu phần ăn.
Nam giới thể trạng to lớn có thể tăng đến 100g thực phẩm giàu đạm trong mỗi bữa ăn. Trẻ em thì cần xé nhỏ miếng thịt kho, cá chiên, tôm hấp... để trẻ ăn được cả phần xác của thực phẩm. Các bé nhỏ cũng phải băm nhỏ thịt cá vào nấu cùng cháo, bột..
Các thực phẩm giàu đạm cũng là nguồn cung cấp dồi dào lượng vitamin A (thịt, cá, gan, trứng), sắt (thịt, cá, gan, huyết), kẽm (hàu, sò, thịt, cá...)...
Vitamin C
Cần chú trọng cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C mỗi ngày. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi ngày chúng ta cần ăn 300g rau và 200g trái cây tươi. Ngoài việc cung cấp chất xơ, rau và trái cây chính là nguồn vitamin C tự nhiên, hấp thụ chủ yếu từ chế độ ăn.
Tuy nhiên, cần lưu ý với các loại rau xanh, quá trình lưu trữ, ngâm, rửa, đun nấu chế biến làm thất thoát lượng vitamin C khá lớn. Vì thế, nên ăn các loại quả tươi hàng ngày. Nên ăn 2 loại trái cây khác nhau, thay đổi loại giữa ngày này và ngày khác.
Các loại trái cây nhiều vitamin C đứng đầu là ổi, ớt chuông, kiwi... Sau đó là đu đủ, dưa hấu, chuối, cam, chanh, quýt, bưởi...
Một số người hay có thói quen uống các viên Vitamin C như là một giải pháp hữu hiệu và cần thiết để tăng sức đề kháng khi đã bị cảm cúm. Điều này cũng hợp lý do khi cơ thể bị nhiễm trùng thì nhu cầu vitamin C có thể tăng gấp vài lần. Bình thường, nhu cầu vitamin C của cơ thể là 100mg/ ngày, nhưng nếu bị bệnh có thể dùng thuốc vitamin C liều cao khoảng 500mg trong một thời gian ngắn. Liều tối đa là 1g (1.000 mg)/ mỗi ngày.
Nên lưu ý, 3-5 ngày sau khi uống vitamin C, cơ thể mới sinh nhiều kháng thể giúp tăng sức đề kháng. Vì thế, nhiễm bệnh rồi mới lo tăng sức đề kháng thì đã muộn. Ăn trái cây tươi thường xuyên hàng ngày chính là cách củng cố hệ miễn dịch phòng bệnh.
Chế độ dinh dưỡng dù rất quan trọng trong việc đảm bảo sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, cũng cần thực hiện tốt những khuyến cáo khác của chuyên gia và bác sĩ:
- Khi thời tiết lạnh, việc giữ ấm cơ thể bằng quần áo ấm, khăn, vớ, chăn mền, tránh gió lùa, tắm nước ấm rất quan trọng.
- Bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bị lây nhiễm siêu vi (cách ly người bệnh, đeo khẩu trang, mắt kính, không dùng chung đồ dùng cá nhân, không tiếp xúc gần người bệnh). Rửa tay bằng xà bông trước khi ăn uống.
- Thường xuyên tập thể dục 30-45 phút sáng và chiều sẽ giúp ích rất nhiều trong việc tăng sức đề kháng cơ thể. Người chơi thể thao đều đặn sẽ rất ít bị bệnh nhiễm trùng, chưa kể chứng táo bón, mỡ máu, loãng xương, đường huyết cao, béo phì... cũng được kiểm soát tốt.
- Cần ngủ sớm và ngủ đủ giấc để cơ thể khỏe khoắn.
Anh Ngọc