Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng phê duyệt đề án trồng một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây trồng ở rừng. Theo kế hoạch năm nay, Việt Nam trồng 182 triệu cây xanh, trong đó 120 triệu là cây xanh phân tán. Từ năm 2022, cả nước sẽ trồng mới 204,5 triệu cây.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng diện tích rừng trên cả nước có xu hướng tăng trong thời gian qua, đạt hơn 14,6 triệu ha vào năm 2019. Tỷ lệ che phủ rừng theo đó cũng tăng lên 41,9%. Các vùng lãnh thổ mà rừng giữ vai trò quan trọng cũng có xu hướng nâng cao độ phủ như Trung du và miền núi Bắc Bộ đạt hơn 53%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 54%, Tây Nguyên đạt 45,9%.
Chia sẻ với VnEpxress, TS Lê Đức Tuấn, chuyên gia về rừng, giảng viên khoa Địa lý thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP HCM cho biết độ che phủ tối ưu với môi trường sống con người là 45%. Thời gian gần đây, Việt Nam luôn có kế hoạch để điều chỉnh độ che phủ của rừng, thể hiện qua hoạt động tích cực của ngành lâm nghiệp.
Đối với rừng trồng, ông Tuấn cho rằng cần khuyến khích trồng các loài cây gỗ lớn lâu năm, đồng thời đảm bảo tỷ lệ che phủ hợp lý. Tỷ lệ này phải đảm bảo giữa các khu rừng trồng để khi khai thác, diện tích chặt trắng sẽ nằm trong ngưỡng cho phép. Điều quan trọng nhất, Chính phủ phải thực hiện nghiêm việc quy hoạch, quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
"Trong hoạt động của ngành lâm nghiệp hiện nay, nâng cao độ che phủ rừng là nhất thời, về lâu dài phải nâng độ che phủ song hành với đa dạng loài, vì đa dạng sinh học mới mang tính bền vững", TS Lê Đức Tuấn lưu ý.
Ngoài rừng, đề án cũng chú trọng trồng nhiều cây xanh đô thị. Ông Tuấn cho rằng, đối với các thành phố, cây xanh là "lá phổi" không thể thiếu cho người dân. Mật độ tối ưu cho các thành phố lớn phải là 15 m2 cây xanh mỗi người. Hiện nay đô thị hóa quá nhanh và tăng dân số cơ học gây quá tải cho không gian cây xanh ở các thành phố lớn. Nếu không khắc phục, đô thị sẽ bị ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn làm mất chất lượng cuộc sống người dân.
"Ngoài nỗ lực của Chính phủ, cần sự tham gia tích cực của địa phương cùng các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các chương trình hành động cụ thể", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thời gian qua, hưởng ứng đề án, các địa phương và doanh nghiệp đã đưa ra hành động cụ thể. Cuối tháng 4, UBND tỉnh Lâm Đồng phát động chương trình trồng mới 50 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021-2025, nâng độ che phủ lên trên 55%. Chương trình có sự tham gia của Tập đoàn Novaland và Nova Service Group, tài trợ hơn 11 tỷ đồng.
Riêng Tập đoàn Novaland cũng khởi xướng chương trình "Green Up Việt Nam - Triệu cây xanh cho cuộc sống bừng sáng" với sự chung tay của đối tác, khách hàng, nhân viên của các thành viên NovaGroup... để triển khai phủ xanh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ phát động chương trình tại các địa phương khác như Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu..., kỳ vọng sẽ có thêm nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, huy động nhiều nguồn lực trong việc trồng cây, phục hồi và bảo vệ thiên nhiên.
Rừng với chức năng thảm xanh che phủ bề mặt trái đất, là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật giữ vai trò rất quan trọng đối với môi trường. Quá trình tồn tại và phát triển của các hệ sinh thái rừng góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường sống cho sinh vật và con người. Các hệ sinh thái rừng với chức năng quang hợp đã hấp thu lượng lớn CO2 và cung cấp cho khí quyển lượng oxy tương ứng. Theo một nghiên cứu của Odum, một ha rừng mỗi năm có thể cung cấp bình quân 16 tấn oxy. Lượng oxy này bảo đảm sự sống ở mọi nơi trên Trái đất, góp phần hạn chế "hiệu ứng nhà kính".
Các hệ sinh thái rừng là môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Do đó, khi có rừng, đất đai sẽ hình thành với tốc độ nhanh và màu mỡ hơn nhờ vào hoạt động sống của các sinh vật này. Đất có rừng hầu như tự bón phân cho chính nó. Dưới tán rừng thuần 5-6 tuổi, lượng vật rơi lá rụng trung bình hàng năm khoảng 10 tấn mỗi ha, chứa khoảng 80-90 kg nitrogen, 8 kg phospho và 8 kg kali.
Rừng và cây xanh cũng góp phần điều tiết thủy văn. Theo một nghiên cứu vào năm 2002 của GS TSKH Lê Huy Bá, cây gỗ có thể ngăn giữ lại một phần nước mưa. Lượng nước mưa rơi qua tán lá, ngoài chảy trôi trên mặt đất còn ngấm xuống sâu, thấm thành nước ngầm và liên tục chảy vào các dòng sông. Đây được xem là nguồn nước trong, không mang theo những chất hữu cơ đông đặc.
Khi lớp phủ của cây xanh bị phá hủy, gần như toàn bộ nước mưa đều rơi xuống mặt đất. Khi mưa lớn, lượng nước này dễ hình thành dòng chảy và trút vào khe suối, sông ngòi, trở thành các cơn lũ, gây ra ngập lụt ở vùng thấp. Ngược lại trong mùa khô, trên đất không có cây cối, mực nước ngầm sẽ hạ thấp. Khi hạn kéo dài, nước từ các khe suối, sông ngòi dễ bị cạn mà không có nguồn tiếp thêm.
Những vùng duyên hải gió mùa thường chịu ảnh hưởng bởi gió mạnh, vì thế rừng có thể phòng hộ, giúp tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, rừng có khả năng giữ nhiệt độ cho mặt đất, góp phần giảm sự thất thoát độ ẩm và hơi nước của cây trồng. Những dãy rừng phi lao huyện Lý Nhân (Hà Nam) bảo vệ đồng ruộng chống gió mùa Đông Bắc, gió Tây Nam khô nóng và làm tăng năng suất lúa từ 10%-15%.
Tất Đạt