Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), kiều bào Việt Nam tại Đức, Cộng hoà Czech và một số nước lân cận có thể mua vải trên gian hàng trực tuyến quốc tế của Voso, thanh toán qua hệ thống thanh toán quốc tế kết nối với sàn thương mại điện tử.
Đơn hàng sau đó được gom, vận chuyển và giao tận nhà người tiêu dùng châu Âu trong thời gian 4-5 ngày. Hiện giá mỗi kg vải đạt chuẩn GlobalGap được bán ở thị trường EU khoảng 18 euro, tương đương hơn 500.000 đồng.
Để tham gia "cuộc chơi" này, từ tháng 3, sàn thương mại điện tử Voso đã xây dựng gian hàng quốc tế, giúp người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài có thể tìm mua sản phẩm có chất lượng và xuất xứ từ Việt Nam.
Ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho biết, nhiều sản phẩm trái cây, nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài bằng kênh thương mại điện tử quốc tế như Amazon, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam phát triển nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho rằng, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản và những sản phẩm khác của Việt Nam, tận dụng lợi thế ưu đãi từ EVFTA. Nhưng kênh xuất khẩu này cũng còn những khó khăn nhất định trong vận chuyển, bảo quản, thông quan hàng hóa, cũng như hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trước mắt để giải quyết những khó khăn này, Voso tận dụng hệ thống logistics thông minh của Viettel Post để đưa ra phương án tối ưu về thủ tục, thời gian di chuyển và chi phí. Khi mô hình phát triển tới quy mô nhất định, vấn đề chi phí logistics sẽ ngày càng được tối ưu hóa, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Khơi thông xuất khẩu theo phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Hải cho hay Bộ Công Thương đang phối hợp cùng các bộ ngành hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục kiểm dịch và kiểm định chất lượng cho hàng hóa, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe của nước sở tại.
"Các bên đang tiếp tục phối hợp để hoàn thiện quy trình cũng như nỗ lực mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng châu Âu khi thưởng thức trái vải thiều tươi ngon của Việt Nam", ông Hải nhấn mạnh.
Mùa vụ vải năm nay Bắc Giang dự kiến thu hoạch khoảng 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn vải so với năm ngoái. Để quả vải thiều lưu thông thuận lợi, tỉnh này đã kích hoạt kịch bản tiêu thụ trong nước là chủ yếu, thông qua các kênh bán lẻ siêu thị, sàn thương mại điện tử, hệ thống chợ đầu mối...
Theo số liệu của Sở Công Thương Bắc Giang, tính đến ngày 23/6, lượng vải tiêu thụ, xuất khẩu sang các nước của Bắc Giang đã đạt hơn 165.000 tấn, trong đó vải chính vụ đã bán được gần 106.300 tấn. Tới thời điểm này, Bắc Giang đã bán được gần 87% sản lượng vải năm nay, trong khi thời gian mùa vụ vải còn khoảng 20 ngày nữa.
Trong số 106.300 tấn vải đã bán, số vải tiêu thụ trong nước trên 98.000 tấn, còn lại gần 67.000 tấn vải xuất khẩu sang Trung Quốc (62.382 tấn), các nước ASEAN (4.079 tấn), Nhật Bản (188 tấn) và các nước EU 40 tấn, còn Australia 21,5 tấn.
Anh Minh