Thứ sáu, 29/11/2024
Thứ năm, 4/6/2020, 00:28 (GMT+7)

Vải thiều Thanh Hà xuất khẩu

Hải DươngHàng chục tấn vải sớm từ vùng quê Hải Dương đang lên đường xuất khẩu đến thị trường Singapore, Âu Mỹ.

Huyện Thanh Hà (Hải Dương) có diện tích trồng vải 3.815 ha, trong đó 1.500 ha vải sớm và 2.300 ha vải chính vụ. Sản lượng từ 30.000 đến 35.000 tấn vải mỗi năm. Vải chín thu hoạch từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6.

Những quả vải chín sớm đạt tiêu chuẩn đang được người dân thu hái để xuất khẩu.

Vải thiều Thanh Hà được cấp mã số vùng sản xuất, đảm bảo tiêu chí xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Australia, châu Âu. Năm nay, toàn huyện được cấp 17 mã vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có thị trường khó tính là Nhật Bản.

Vải thường được người dân thu hái vào buổi sáng sớm để quả tươi, đẹp, không bị nắng héo.

Đặc trưng của vải Thanh Hà là vỏ chín có màu đỏ tươi, bề mặt phẳng đều, cùi vải dày, màu trắng trong, giòn, vị ngọt thanh và mùi thơm nhẹ.

Những ngày này, người dân tất bật thu hoạch vải để bán ra thị trường trong và ngoài nước.

Những container vải đầu tiên đã được xuất đi Mỹ, Singapore, Trung Quốc. Trong tuần đầu tháng 6, các chuyên gia Nhật Bản đã đến huyện Thanh Hà để kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu vào Nhật.

Bà Đoàn Thị Thuý, xã Thanh Quang cho biết: "Gia đình có hơn 200 cây vải trên 10 năm tuổi, trong một tháng nay thu hoạch gần 6 tấn. So với năm trước vải được mùa và được giá hơn. Vải thiều chín sớm giá luôn ổn định ở mức 60.000 đồng/kg".

Vải đạt tiêu chuẩn xuất ngoại được cán bộ phòng nông nghiệp giám sát từ khi cây ra hoa cho tới khi quả chín.

Người dân huyện Thanh Hà đưa từng sọt vải đến những điểm đầu mối dọc tuyến đường tỉnh lộ 390 để bán cho các thương lái trong nước. Những xe vải mẫu mã đẹp thường được chọn lựa thu mua nhanh gọn.

Năm nay một số thương nhân Singapore tìm đến huyện Thanh Hà để thu mua vải. Nhiều doanh nghiệp địa phương xây dựng nhà xưởng để bao tiêu và sơ chế vải xuất khẩu.

Tại các điểm sơ chế, từng quả vải được cắt bỏ cuống, loại quả dập, nhỏ, rồi đưa vào bể ngâm muối điện phân lạnh 4-8 độ C để sốc nhiệt 5 phút, tránh nấm mốc.

Vải xuất khẩu được chuyển sang khu tuyển chọn để loại quả sâu đầu, nhỏ... không đạt chất lượng.

Những rổ vải được ngâm trong dây chuyền kiểm soát độ kiềm, tăng gấp đôi khả năng chống nấm mốc. 

Từng quả vải được chọn lọc lần thứ ba sau đó cân đóng hộp, rồi đưa vào kho lạnh để bảo quản. Đến nay các doanh nghiệp tại Thanh Hà đã xuất sang Singapore 6,5 tấn vải, dự kiến thời gian tới xuất thêm 45 tấn.

Bà Hoàng Thị Thuý Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết năm 2019, doanh thu từ vải sớm toàn huyện đạt hơn 700 tỷ đồng. "Dự kiến năm nay vải sớm được mùa khoảng 20.000 tấn, chiếm 60% sản lượng vải toàn huyện, thu khoảng 900 tỷ. Toàn huyện có 200 ha diện tích vải đã đạt tiêu chuẩn để xuất đi quốc tế", bà nói thêm.

Vải thiều Thanh Hà
 
 

Thu hoạch vải thiều Thanh Hà. Video: Ngọc Thành

Ngọc Thành