Những ngày này, các vườn vải thiều ở xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, đã chín đỏ. Bà Vũ Thị Quyên (54 tuổi, xã Bình Khê) cho biết, gia đình trồng gần 100 gốc vải, những ngày gần đây bà dậy từ 5h sáng để hái, đến 8h chở ra điểm thu mua tại chợ Bình Khê bán. Vải được mùa, nhưng ảnh hưởng của Covid-19, nhiều thương lái không về thu mua như những năm trước.
"Chúng tôi rất lo lắng. Ít ngày nữa, vải chín hết không biết xử lý thế nào. Hiện tại giá vải chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng/kg. Như năm ngoái gia đình tôi thường bán vải thiều từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg", bà Quyên nói.
Ông Phạm Đức Thành (66 tuổi, xã Bình Khê) cho biết mấy ngày nay chứng kiến người dân chở vải ra bán, nhưng thương lái không mua do xe đã đầy hàng, nhiều người mếu máo chở về nhà. "Phải chi tiền thuê nhân công thu hái 200.000-300.000 đồng/ngày kèm giá vải thấp, nhưng người dân vẫn cố thu hoạch để vớt vát được đồng nào hay đồng đấy", ông Thành nói.
Quảng Ninh hiện có hai giống vải lai và vải thiều. Vải lai ra sớm, tập trung ở phường Phương Nam, TP Uông Bí, diện tích gần 400 ha, mỗi năm đạt khoảng 3.500-4.000 tấn quả. Đầu mùa, giá vải lai dao động 25.000-35.000 đồng/kg. Thị xã Đông Triều có hơn 600 ha trồng vải, phần lớn là vải thiều. Riêng xã Bình Khê có khoảng 160 ha, trong đó 120 ha là vải thiều.
Hiện dọc những tuyến đường chính của xã Bình Khê chỉ có vài điểm thu mua vải, là những xe tải chở hàng loại nhỏ 1-2 tấn, không thấy xuất hiện xe hàng đông lạnh và xe container như mọi năm. Tại những điểm tập kết này, thương lái thường thu mua vào buổi sáng và kéo dài khoảng 2 tiếng.
Một thương lái cho biết có đồng nghiệp ở Bắc Giang về đây thu mua vải để chở vào nam, nhưng khi đến chốt kiểm soát Covid-19 ở cửa ngõ vào Quảng Ninh nằm trên quốc lộ 18A, địa phận thị xã Đông Triều giáp với TP Chí Linh (Hải Dương) thì bị yêu cầu quay đầu do đi từ vùng dịch.
"Xe hàng chúng tôi ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương nên vẫn được vào. Nhưng chúng tôi phải dùng xe tải loại nhỏ chở vải về Hải Dương, rồi ướp đá, đóng thùng xốp và sang tải xe đông lạnh và container. Nếu dùng xe đông lạnh hoặc xe container sẽ phải đưa nhiều người sang để đóng hàng, như vậy rất tốn kém, nhất là chi phí xét nghiệm nCoV", một thương lái cho biết.
Tối 6/6, ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều, khẳng định địa phương không cấm các xe đông lạnh, xe container vào thu mua vải. Tài xế chỉ cần có xét nghiệm âm tính với nCoV là được qua chốt kiểm soát.
Tuy nhiên, để vào được Quảng Ninh thu mua vải, các xe phải đi qua nhiều tỉnh thành khác và bị các chốt kiểm dịch ngặt nghèo khiến nhiều thương lái nản lòng.