Thực tế này được ông Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho nông sản với Bộ Công Thương, sáng 25/5.
Bắc Giang đang bước vào kỳ thu hoạch vụ vải sớm. Khác những năm trước, thu hoạch và tiêu thụ vụ vải năm nay tại tỉnh đang ở vào tình thế đặc biệt, khi Bắc Giang nằm trong tâm dịch Covid-19.
Có vườn vải thiều rộng hơn 2 ha tại thôn Chão Cũ (xã Giáp Sơn, Lục Ngạn), bà Bảy cho biết, tới thời điểm này vườn của bà mới thu hoạch được gần 1 tấn vải sớm sau vài ngày mở bán. "Các năm trước dù mùa vụ vải sớm mỗi ngày tôi cũng bán được 40-50 tạ cho các điểm cân, giờ giảm đi một nửa", bà Bảy nói.
Nằm trong tâm dịch của đợt thứ tư nên thương lái Trung Quốc vẫn chưa sang thu mua vải như mọi năm. Lúc này kênh tiêu thụ vải của vườn bà Bảy trông chờ phần lớn vào hợp đồng mua bao tiêu từ hợp tác xã huyện Lục Ngạn. Bà chủ vườn này hy vọng tình hình dịch bệnh được kiểm soát, thương lái Trung Quốc có thể sang thu mua vào dịp vải chính vụ, nếu không "vải dư thừa không biết bán đi đâu".
Không quá lo lắng khâu tiêu thụ do đã ký bao tiêu toàn bộ sản lượng vải cho hợp tác xã, song ông Sinh (thôn Kép 3) cho hay, giá vải đầu mùa năm nay không cao như mọi năm. "Vải sớm Lục Ngạn hôm mở vườn tôi bán chỉ 20.000 - 25.000 đồng một kg, thấp hơn cùng thời điểm năm ngoái khoảng 10.000 đồng một kg", ông thông tin. Một phần theo ông, thị trường đầu ra quả vải năm nay hẹp hơn, do thiếu bóng dáng thương lái Trung Quốc.
Năm 2021, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang là 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với 2020. Trong đó, vải chín sớm 6.050 ha, sản lượng ước 45.000 tấn; vải thiều chính vụ diện tích 22.050 ha, sản lượng ước đạt 135.000 tấn.
Lục Ngạn - một trong hai "thủ phủ" vải thiều của Bắc Giang phải liên tục thay đổi kịch bản tiêu thụ trước diễn biến khó lường của dịch bệnh. Ông Nguyễn Thế Thi - Phó chủ tịch huyện Lục Ngạn cho biết, do dịch diễn biến phức tạp nên cách thức vận chuyển, tiêu thụ vải thiều năm nay khác trước.
Thay vì ưu tiên xuất khẩu, huyện Lục Ngạn đưa ra kịch bản tăng tiêu thụ tại thị trường trong nước và một phần vải sẽ chế biến sấy khô, chứ không xuất bán tươi. Dự kiến mùa vụ vải năm nay lượng vải tiêu thụ nội địa của huyện Lục Ngạn khoảng 67.000 tấn, chế biến khoảng 23.000 tấn và khoảng 32.000 tấn dành cho xuất khẩu. Tuỳ quy mô, sản lượng thu sấy vải, mỗi hộ trồng trong huyện sẽ được hỗ trợ 1-2 triệu đồng. Số tiền này không lớn, song theo ông Thi, khuyến khích các hộ trồng vải chuyển sang mô hình bán sản phẩm chế biến, bảo quản được lâu, thay vì xuất bán tươi do dịch bệnh còn diễn biến khó lường.
Hiện giá vải sớm Tân Yên, Lục Ngạn dao động 20.000-35.000 đồng một kg, tuỳ loại. Từ đầu mùa vụ đến nay Bắc Giang thu hoạch trên 1.200 tấn vải, trong đó xuất sang Trung Quốc khoảng 400 tấn. Riêng huyện Lục Ngạn trong ngày đầu thu hoạch vụ vải sớm, sản lượng khoảng 80 tấn, chủ yếu tiêu thụ nội địa.
Chia sẻ với VnExpress, ông Nguyễn Văn Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên hiện thương nhân Trung Quốc không thể nhập cảnh vào vùng vải để thu mua, dù Thủ tướng đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc tới Bắc Giang mua vải với điều kiện đảm bảo yêu cầu cách ly, phòng Covid-19.
Nhưng Sở Công Thương Bắc Giang đã trao đổi với thương hội hoa quả tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) tìm cách gỡ khó cho lưu thông quả vải. Sở đã thống nhất với các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu vải thiều Bắc Giang thực hiện hình thức trung chuyển vải qua cửa khẩu.
Tức là, xe vận chuyển vải thiều Bắc Giang đến gần cửa khẩu thì đưa vào bãi tập kết cách cửa khẩu khoảng 1 km. Sau đó, xe chở vải thiều sẽ được phun thuốc khử khuẩn, lái xe phía Trung Quốc sẽ tiếp quản xe chở vải vào vị trí kiểm hoá, thông quan hàng và di chuyển xe đến bãi tập kết. Phía Trung Quốc sẽ bốc dỡ hàng sang xe của họ, sau đó lái xe Trung Quốc lại đưa xe trở về bãi tập kết của Việt Nam và giao trả xe. Hình thức này, theo ông Phương, giúp vận chuyển vải thiều tại các cửa khẩu được thông suốt, vẫn đảm bảo yêu cầu phòng ngừa dịch bệnh.
"Các quy trình đưa vải đi tiêu thụ đều làm rất chặt chẽ. Từng lô hàng đều có QR code thể hiện thông tin về vùng vải, người thu hoạch, bảo quản, vận chuyển...", lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết.
Để hỗ trợ lưu thông quả vải, theo lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang, tỉnh vừa lập 2 tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều tại cửa khẩu tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn. Các tổ hỗ trợ xuất khẩu vải thiều này có nhiệm vụ nắm bắt và xử lý tại chỗ những vấn đề khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận chuyển, lưu thông và xuất khẩu vải qua các cửa khẩu. Các tổ cũng có nhiệm vụ thông tin, hướng dẫn cho doanh nghiệp, thương nhân có hoạt động xuất khẩu vải thiều các quy định, điều kiện về người, phương tiện và hàng hóa vận chuyển, lưu thông đi đến cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn.
Bắc Giang cũng đưa ra 3 kịch bản tiêu thụ vải trong tình hình Covid-19 phức tạp. Với kịch bản 1, dịch được kiểm soát, vải dự kiến được tiêu thụ 50% trong nước, 50% xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 95%, tương đương 85.500 tấn, còn lại 4.500 tấn xuất sang các thị trường khác như Nhật, Australia, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore...
Kịch bản 2, dịch diễn biến phức tạp nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ trong nước 70%, xuất khẩu 30%, trong đó Trung Quốc chiếm 95% sản lượng xuất khẩu.
Còn kịch bản 3, xuất khẩu bị đóng, vải thiều được tiêu thụ 100% nội địa, Sở Công Thương Bắc Giang lên kế hoạch đưa đến các chợ đầu mối 80.000 tấn, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị 30.000 tấn. Lượng còn lại chia cho các chợ truyền thống, tiểu thương, sàn thương mại điện tử và chế biến sấy.
Tỉnh Bắc Giang cũng thiết lập các kịch bản bảo vệ vùng trồng vải "sạch không Covid-19". Chẳng hạn tại huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Thế Thi cho biết, các trường hợp F1 buộc cách ly tập trung, các trường hợp F2, F3, F4 được cách ly ngay tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của y tế, chính quyền địa phương.
Huyện này cũng lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các tuyến cửa ngõ, kiểm soát người ra, vào vùng vải thiều; kiểm tra y tế với tất cả mã số vùng trồng vải, các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng vải... "Tất cả người dân, phương tiện khi đi qua đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt để sàng lọc. Trường hợp nghi ngờ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo khuyến cáo của ngành y tế", Phó chủ tịch huyện Lục Ngạn chia sẻ với VnExpress.
Ngoài ra, ông Thi cũng cho hay, toàn bộ hộ trồng vải, người thu mua, cơ sở đóng gói, lao động trên địa bàn huyện Lục Ngạn đều được lấy mẫu xét nghiệm. Từng lô hàng sau đóng gói sẽ được phun thuốc khử khuẩn. Thương lái, lái xe, phương tiện vận chuyển, lô hàng đảm bảo các điều kiện phòng dịch sẽ được huyện cấp chứng nhận "vải thiều không có Covid-19" trước khi vận chuyển tiêu thụ.
Nỗ lực đưa ra các phương án tiêu thụ vải trước diễn biến Covid-19 phức tạp, song Bắc Giang cũng không tránh khỏi khó khăn thu hoạch, tiêu thụ mặt hàng này. Dự kiến với 180.000 tấn vải thu hoạch năm nay, khi vào chính vụ mỗi ngày sẽ phải có khoảng 600-700 container mới giải toả hết lượng vải thu hoạch trong ngày.
"Bắc Giang mong muốn các địa phương tạo điều kiện để việc thông thương hàng hoá không bị ách tắc", ông Lê Ánh Dương nói tại cuộc làm việc về tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản với lãnh đạo Bộ Công Thương sáng 25/5.
Khẳng định sẽ "làm hết sức giúp Bắc Giang trong mọi hoàn cảnh", Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, cơ quan này sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân, cũng như đảm bảo nguồn cung, lưu thông hàng hoá thông suốt.
Ông yêu cầu các Cục, Vụ theo chức năng chỉ đạo các sở, ngành xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa, nhất là thị trường Trung Quốc. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài vào cuộc, giúp Bắc Giang quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho quả vải thiều niên vụ 2021.
Ngoài kênh bán hàng truyền thống, Bộ trưởng Diên đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ quả vải thiều trên các sàn thương mại điện tử, các phiên giao thương trực tuyến với các thị trường xuất khẩu tiềm năng.
Lực lượng quản lý thị trường được yêu cầu tăng cường nhân lực giúp các địa phương lưu thông hàng hoá, cũng như kiểm tra, tránh tình trạng găm hàng nâng giá và buôn lậu.
Về tiêu thụ nông sản, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Bắc Giang không nên quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu truyền thống, cần tập trung tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa. Điều này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ trong năm nay mà còn trong thời gian tới.
Ông lưu ý tỉnh Bắc Giang nên cử một đầu mối là Sở Công Thương hay một đơn vị trực thuộc cấp các giấy tờ chứng nhận theo quy định về phòng, chống dịch với nông sản, giúp cho sản phẩm từ Bắc Giang thuận lợi qua các tỉnh, thành phố và tiêu thụ trong thời gian sớm nhất, tránh bị ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Còn ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Anh Minh