Đây là lần đầu vải thiều Bắc Giang được đưa bán trên các kênh thương mại điện tử (trước đó vải thiều Hải Dương cũng đã bán trên kênh này). Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), việc kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số là một trong những giải pháp hiệu quả bên cạnh kênh phân phối truyền thống, giúp người trồng vải mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cơ quan này cho biết đã thống nhất phương án triển khai thu mua, vận chuyển logistics thương mại điện tử để đáp ứng mọi đơn hàng vải thiều khi các sàn online mở bán mặt hàng này trong 3-4 ngày tới (dự kiến bắt đầu từ 6/6).
Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho biết, sẽ trực tiếp hướng dẫn bà con nông dân thực hành cách livestream, tự đưa vải thiều lên Facebook, Tiktok, Senlive... để chốt đơn hàng loạt.
Trong khi đó, sàn thương mại điện tử Voso (Viettel Post) khẳng định, đưa vải thiều Bắc Giang đạt chuẩn xuất khẩu lên sàn với thời gian giao đến tay khách hàng chỉ từ 6-48h sau thu hoạch. Ngoài kênh online, sàn giao dịch điện tử này còn triển khai bán hàng qua hình thức offline bằng cách tận dụng các bưu cục, cửa hàng trực tiếp, điểm bán trong hệ thống Viettel Post.
Năm nay, sản lượng vải của Bắc Giang dự kiến đạt 180.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm trước và bắt đầu thu hoạch chính vụ ngày 10/6 tới.
Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang khẳng định, khu vực vùng trồng vải thiều đã được khoanh vùng an toàn ngay từ đầu, các F1 đã được đưa đi cách ly ngoài vùng trồng vải nên "vải thiều Bắc Giang sạch, không Covid-19". Lái xe, thương lái vùng vải thiều Lục Ngạn cũng được tiêm vaccine phòng Covid-19, bắt đầu từ hôm nay (3/6).
"Vải thiều Bắc Giang đưa ra khỏi tỉnh đều được cấp giấy xác nhận lô vải an toàn, đáp ứng an toàn thực phẩm và yêu cầu vệ sinh dịch tễ", đại diện Sở Công Thương Bắc Giang chia sẻ.
Đến ngày 2/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt gần 27.500 tấn, giá bán trung bình 13.000-33.000 đồng một kg.
Anh Minh