Vài nét về hệ thống giải Challenger
Ba năm trở lại đây, giới hâm mộ quần vợt cả nước bắt đầu được nghe đến và làm quen với "Heineken Challenger", một giải đấu thuộc hệ thống Challenger do Hiệp hội Quần vợt nhà nghề Thế giới (ATP) phối hợp cùng Liên đoàn Quần vợt của các châu lục tổ chức hàng năm. Sau đây là một số thông tin về hệ thống này.
Nếu xét về "vai vế", hệ thống Challenger chỉ đứng sau 4 giải thuộc hệ thống Grand Slam và các giải thuộc ATP Tour. Đúng như tên gọi (Challenger - người thách thức), hệ thống Challenger là sân chơi dành cho các tay vợt trẻ, các tay vợt chưa thành danh cũng như cho tất cả các tay vợt có thành tích trong quá khứ muốn tìm lại chính mình. Các giải thuộc hệ thống Challenger được tổ chức quanh năm và thường ở những thời điểm trùng với các giải ATP Tour. Điểm khác biệt lớn giữa hai hệ thống giải này là nếu ở ATP Tour, các tay vợt ĐKVĐ thường đăng ký thi đấu để bảo vệ thành tích (và cả điểm số của mình) thì ở Challenger, các tay vợt chiến thắng ở giải trước đó không có nghĩa vụ này. Tuy vậy, rủi ro bị loại sớm ở Challenger là rất lớn một khi khoảng cách về thứ hạng chưa hẳn đã đảm bảo chiến thắng cho người có thứ hạng cao. Chính vì thế, nhiều tay vợt có thứ hạng đã phải cân nhắc, tính toán rất kỹ để lựa chọn sẽ tham gia sân chơi nào, hoặc vào thẳng vòng đấu chính thức của một giải Challenger (tiêu chuẩn đương nhiên) hoặc vất vả trong đấu loại để giành quyền vào vòng trong một giải ATP Tour. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng có tác động nhất định như thứ hạng hiện tại, thời gian, địa điểm thi đấu, mặt sân, uy tín, giá trị tiền thưởng, khả năng giành chiến thắng...
Đào Tùng, Thể Thao Việt Nam, 17/2.