Quả vải này chủ yếu được trồng ở Tây Nguyên, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, tức sớm hơn vải thiều miền Bắc từ 1-1,5 tháng. Các năm trước, loại này có giá đắt đỏ, lên hơn 130.000 đồng mỗi kg, nay bất ngờ giảm nửa giá.
Theo đó, giá vải được bán tại các cửa hàng, quầy sạp ở chợ TP HCM chỉ quanh 40.000 đồng một kg cho loại vận chuyển bằng xe, còn hàng đi đường hàng không, giá 70.000 đồng.
Ghi nhận của VnExpress tại các nhà vườn trồng vải ở Kon Tum và Đăk Lắk cũng cho thấy giá bán hiện về quanh 20.000-25.000 đồng một kg.
Chị Lan Anh, người sở hữu 20 cây vải u hồng ở Đăk Lắk cho biết vừa bán gần 10 tấn vải với giá 20.000 đồng mỗi kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước tới nay. "Năm ngoái, thương lái đua nhau hỏi mua, nay sức mua yếu khiến họ không dám thu vào số lượng lớn", chị Anh nói.
Lý giải nguyên nhân giá vải giảm mạnh, doanh nghiệp thu mua cho biết do sản lượng vải chín sớm dồi dào, tăng khoảng 20-30% so với năm ngoái. Trong khi đó, sức tiêu thụ trên thị trường còn yếu, người dân thắt chặt chi tiêu khiến giá giảm. Mặt khác, vụ năm nay có nhiều loại trái cây nhiệt đới vào mùa sớm.
Theo lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, hiện xoài, măng cụt, sầu riêng, thơm đang về chợ với số lượng lớn nên đẩy nhiều mặt hàng rớt giá mạnh. Ngoài ra, hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam giá rẻ nên cạnh tranh.
Hiện, hầu hết vải bán tại các chợ truyền thống đều được nhập từ các tỉnh Tây Nguyên, giá sỉ từ 25.000-30.000 đồng một kg. Các doanh nghiệp dự báo sắp tới khi vải thiều miền Bắc vào chính vụ, giá sẽ còn đi xuống.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tỉnh Đăk Lắk cho biết diện tích trồng vải tại đây đã tăng trên 2.200 ha, gấp đôi so với 2020 và tăng gấp 7-8 lần so với 2015. Cây vải đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương, nhưng theo tỉnh này chủ yếu vẫn do nông dân tự trồng, tự bán. Việc liên kết sản xuất còn nhiều vướng mắc vì nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung.
Hồng Châu