Trên medRxiv, trang web dành cho các công trình y khoa chưa được công bố, các chuyên gia cho rằng những nước nào có chương trình đại trà tiêm vaccine trực khuẩn Calmette-Guerin (BCG) ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân chết vì đại dịch Covid-19 hơn. Dù đây chỉ là một mối tương quan, các bác sĩ lâm sàng tại ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm vaccine BCG trên các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi để đánh giá độ hiệu quả với nCoV.
Gonzalo Otazu, giáo sư trợ lý tại Viện Công nghệ New York, tác giả chính của nghiên cứu, bắt đầu tiến hành phân tích ngay khi thấy số ca bệnh ở Nhật Bản tương đối thấp. Đây là một trong những nước báo cáo các trường hợp dương tính bên ngoài Trung Quốc sớm nhất, song không đưa ra bất cứ biện pháp khống chế khắt khe nào. Người dân nước này từng được chỉ định tiêm phòng bệnh lao.
Theo ông Otazu, các nghiên cứu cho thấy vaccine BCG không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn lao mà còn chống lại một số bệnh truyền nhiễm khác. Vì vậy, ông và các đồng nghiệp đã tổng hợp dữ liệu từ những quốc gia có chính sách tiêm phòng bắt buộc, sau đó so sánh với số ca bệnh và tử vong do Covid-19, tìm thấy mối tương quan mạnh mẽ.
Mỹ và Italy khuyến cáo tiêm vaccine BCG nhưng chỉ đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh lao. Trong khi đó Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Iran và Anh không có chính sách này.
Ngược lại, Nhật Bản và Hàn Quốc có quy định tiêm phòng bệnh lao đại trà. Đây cũng là hai nước kiểm soát tốt dịch Covid-19.
Với hơn một triệu trường hợp dương tính và hơn 59.000 người chết, thế giới vẫn đang vật lộn để chiến đấu với sự lây lan của virus. Việc phát triển vaccine tốn ít nhất một năm. Thời gian công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc hiện có cũng mất vài tháng. Đó là lý do tại sao việc đánh giá độ hiệu quả của vaccine BCG là tương đối cần thiết, theo giáo sư Eleanor Fish, khoa miễn dịch Đại học Toronto.
Một trong những nghiên cứu đầu tiên vaccine bệnh lao ngăn ngừa Covid-19 dẫn đầu bởi Mihai Netea, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan. Thử nghiệm được thực hiện trên 400 nhân viên y tế. 200 người đã tiêm vaccine, số còn lại sử dụng giả dược. Kết quả sẽ có trong ít nhất hai tháng tới.
Thục Linh (Theo SCMP)