Paul Dreyfus người Pháp là một trong 125 nhà báo nước ngoài thuộc 13 nước có mặt tại Sài Gòn vào ngày 30/4/1975, chứng kiến sự kiện lịch sử các đoàn quân tiến vào thành phố. Ông đã ghi nhật ký ghi chép lại những sự việc xảy ra trong ngày kể từ khi Hiệp định Paris 1973 về Việt Nam được ký kết. Sau khi trở về Pháp, dựa trên những tư liệu sẵn có, ông viết cuốn sách nhan đề "… Et Saigon tomba" (… Và Sài Gòn sụp đổ).
Ngày 29/4/1975.
Hôm qua một chút hy vọng đã nhen nhóm trong tất cả dân chúng, khi tướng Minh phát biểu về hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc. Đó là những câu chữ mà do cuộc chiến tranh kéo dài từ hai mươi chín năm nay, người ta đã quên hết ý nghĩa.
Tất cả mọi khách hàng của khách sạn Caravelle đều chạy lên sân thượng, người mặc gile chống đạn, người chỉ mặc quần áo ngủ.
Cũng cần nói thêm, tất cả những khách hàng này đều là phóng viên báo chí hoặc nhiếp ảnh quay phim.
Cũng nói thêm nữa, từ sân thượng nhà hàng chín tầng này có thể nhìn bao quát toàn bộ Sài Gòn.
Và cũng có thể nhìn thấy toàn bộ lãnh thổ của chế độ Nam Việt Nam, diện tích đã thu hẹp lại rất nhiều. Đây là một đất nước mà hai tháng trước vẫn còn trải dài hơn một nghìn kilomet từ Bắc xuống Nam, bây giờ đã rút ngắn lại chỉ còn một tầm bắn của pháo.
Quân giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30/4. (AFP) |
Chính từ vị trí trên cao này chúng tôi đã nhìn thấy pháo bắn như giã giò vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng tám kilomet.
Đạn rốc két rơi liên tục không ngừng. Rồi đến đạn trọng pháo. Mỗi khi một chiếc máy bay bị bắn trúng lại có một quả nấm khổng lồ vọt lên, xé vỡ màn đêm đang có mưa dông. Một lúc sau, phía sân bay chỉ còn là một biển lửa màu da cam.
Ngày 30/4.
Trời đã sáng. Mặt trời khổng lồ nhô lên từ đồng ruộng. Chúng tôi hếch mũi lên trời, theo dõi một chiếc máy bay vận tải, khá giống loại Nord Atlas của Pháp đang lượn vòng trên vòm trời. Đột nhiên từ thân máy bay loé lên một luồng lửa. Chiếc máy bay vỡ làm đôi, cứ thế rơi xuống, rơi rất chậm, rất chậm. Nó vừa bị trúng đạn tên lửa SAM 7, một loại tên lửa vác vai kiểu mới do Liên Xô chế tạo và do một xạ thủ Việt Nam nào đó, có thể đã đứng một mình chờ đón suốt đêm trên một nóc nhà ngoại thành, phóng trúng.
Các loa phóng thanh lại rống lên, báo tin lệnh giới nghiêm kéo dài suốt hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ, sau khi đài truyền đi bản quốc thiều và bài nói của tướng Minh kéo dài tới hơn hai mươi phút.
Làn sóng từ ngữ trong bài diễn văn chẳng có hiệu quả gì đối với những trận chiến đấu đang tiếp tục ác liệt chung quanh Sài Gòn. Từ nhiều khu vực ngoại thành lại vọt lên những cột khói đen, những lưỡi lửa đám cháy, xen lẫn tiếng nổ của đạn pháo.
Các đường phố vắng tanh vắng ngắt. Nhưng vẫn còn một vài phụ nữ rón rén mở cửa định bước ra ngoài, hy vọng còn có một cửa hàng cửa hiệu nào đó mở cửa. Trẻ con vẫn lặng lẽ chơi đánh bi hoặc nhảy ô quan trên vỉa hè, dưới cặp mắt của binh lính và cảnh sát trang bị tiểu liên.
Chỉ có những xe ô tô cắm cờ là đi lại trên đường. Những chiếc xe cứu thương hối hả mang những người bị thương, chủ yếu từ sân bay Tân Sơn Nhất và từ Chợ Lớn, bị trúng đạn trong đêm, phóng nhanh tới các bệnh viện.
Rồi người ta thấy xuất hiện, chẳng biết từ đâu chia ra những thanh niên mặc toàn đồ đen. Họ có vẻ như là một lũ nhóc chơi trò nghịch súng các-bin Mỹ. Nhưng đó chính là những dân vệ có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Lực lượng này gồm toàn thiếu niên từ mười lăm đến mười tám tuổi rất dễ bị kích động.
Khắp mọi nơi, pháo 105 ly của quân đội Sài Gòn tiếp tục bắn trả các khẩu pháo 130 ly của các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng.
Từ phía Biên Hoà là nơi hôm trước tôi vừa mới thực hiện chuyến "thám hiểm" cuối cùng, đang đánh nhau rất dữ dội.
Mặc dù có lệnh thiết quân luật, các nhà báo vẫn liều đi ra ngoài.
Chính vì vậy tôi đã tới được sứ quán Mỹ, chứng kiến những cảnh tượng chẳng vẻ vang gì. Được báo động bởi một mật lệnh truyền qua đài phát thanh, những người Mỹ cuối cùng hối hả mang vác hành lý lên xe ô tô buýt đưa họ đến những chỗ tập trung. Từ những địa điểm này, máy bay lên thẳng sẽ đưa họ tới những tàu sân bay của hạm đội 7 đang đậu ở một nơi nào đó ngoài khơi.
Đại cường quốc Mỹ đang chạy thoát thân.
Trước cổng toà lãnh sự Mỹ có hai binh sĩ lính thủy đánh bộ đội mũ sắt, súng cầm tay đứng gác, hàng mấy chục người Việt vẫn còn cố một cách tuyệt vọng, xin một hộ chiếu đi Guam, Midway, Honolulu…
Cũng từ đây, tất cả các nhà báo Mỹ (kèm theo cả nhiều người khác) cũng đang đóng gói hành lý vội vã ra đi. Chỉ còn một người vẫn ở lại là đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin. Nhưng tướng Minh đã yêu cầu ông vui lòng ra đi để tránh mọi sự cố.
Cuối cùng ông đại sứ Mỹ cũng rút khỏi đại sứ quán mang theo lá cờ sao và vạch, tượng trưng cho nước Mỹ, đã được kéo xuống, gấp cẩn thận, cất kỹ trong cặp xách tay.
Ông là người cuối cùng đi bộ ra khỏi toà đại sứ.
Trước đó ít lâu, tôi đã nhìn thấy một viên tướng Sài Gòn trẻ tuổi, mặc quân phục may đo rất khéo, ngồi trong chiếc xe hơi sang trọng, đi ngang qua. Ông ta chạy vội vào trong sân sứ quán Mỹ rồi leo lên một trong những chiếc máy bay lên thẳng cuối cùng đợi trên sân thượng nhà mái bằng.
Sau khi đại sứ Mỹ đi ra ngoài, những cánh cổng toà đại sứ được đóng lại.
Đúng lúc đó có một người Việt Nam ngồi trên xe, đèo theo một phụ nữ, phóng đến cổng sứ quán Mỹ. Không nhìn thấy có ai, họ hỏi tôi:
- Thế này thì chúng tôi còn biết đi đâu bây giờ? Chúng tôi chết mất. Quân cộng sản đang tới. Tướng Westmorland đã hứa bảo vệ chúng tôi.
Nỗi lo sợ tràn khắp thành phố.
Hàng nghìn người chạy như điên tới sân bay, nhưng không còn chiếc máy bay nào cất cánh nữa. Hơn nữa, trước cổng nhà ga hàng không, cảnh sát đang dựng lên một rào cản.
Hàng nghìn người khác lại đổ xô đến căn cứ hải quân mang theo valy, hành lý, cố tìm cách leo lên được một chiếc tàu nào đó để chạy trốn theo dòng sông Sài Gòn.
Từ những khu vực ngoại thành, hàng ngàn người khác cũng đang chạy vào những khu phố ở trung tâm Sài Gòn.
Tôi đi qua các phố, buồn rầu, chậm chạp, trong khi tiếng pháo nổ mỗi lúc một gần. Luôn luôn tôi bắt gặp nhiều người giữ tôi lại, nói:
- Chắc ông là người Pháp, vì ông vẫn còn ở lại với chúng tôi. Ông có thể làm gì giúp chúng tôi được không?
Họ chìa ra những giấy tờ, thư từ, chứng minh họ có họ hàng đang ở bên Pháp. Tôi nhìn những con người khốn khổ đang ứa trào nước mắt. Tôi không thể nói gì hơn.
(Theo VOV)