Trong hội thảo “Bảo mật, con đường chông gai?” do Học viện Công nghệ Kỹ thuật Sài Gòn - SaigonCTT tổ chức ngày 24/9/2011 tại TP.HCM, giảng viên EC-Council tại SaigonCTT Lê Bách Tùng đã bày tỏ sự quan ngại trước độ tinh vi, táo bạo và ngày càng liều lĩnh của tội phạm mạng hiện nay.
Tại Việt Nam, trong tháng 5 - 6/2011 vừa qua, tin tặc liên tục triển khai các đợt tấn công dồn dập vào máy chủ Công ty Phân phối FPT, 200 website tiếng Việt, trong đó có khoảng 10% là website của các cơ quan thuộc Chính phủ. Và mới đây, có ít nhất 85.000 máy tính tại Việt Nam bị tấn công, nằm trong mạng botnet Ramnit và bị lấy cắp dữ liệu. Điều này gợi nhớ đến vụ việc các hacker tấn công vào Việt Nam vào tháng 3/2010 và dùng các máy tính tại Việt Nam như ổ botnet để tấn công Google cũng như các công ty khác.
Qua các sự việc kể trên, ông Tùng chỉ ra rằng hiện nay hệ thống mạng của nhiều cơ quan bộ, ngành và doanh nghiệp ở Việt Nam tồn tại nhiều lỗ hổng. Nguyên nhân của thực trạng là thiếu những chuyên gia về an ninh mạng, những chuyên viên phụ trách về an toàn thông tin; một phần do lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự coi trọng vấn đề an ninh mạng, chưa đầu tư đúng mức cho vấn đề bảo mật, một phần do tại Việt Nam hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo chuyên biệt về an toàn thông tin, chưa có nhiều khóa học cung cấp cho học viên đầy đủ các kiến thức chuyên môn, các kỹ năng phòng chống hacker từ căn bản đến chuyên sâu.
“Chiến tranh thông tin” trở thành “vấn nạn” của hầu hết các quốc gia trên thế giới, của tất cả các doanh nghiệp trong thế giới phẳng. Do đó, bên cạnh việc vá các lỗ hổng trong hệ thống mạng, cài đặt các phần mềm bảo mật thì việc trang bị kiến thức chuyên sâu, kỹ năng ứng phó giải quyết sự cố thông qua các khóa đào tạo về bảo mật cho các chuyên gia an ninh mạng cũng là một trong những biện pháp được các tổ chức, doanh nghiệp áp dụng triệt để.
Diễn giả Bách Tùng chia sẻ “bảo mật là con đường chông gai và trường kỳ” bởi nó đòi hỏi người phụ trách về an toàn thông tin bên cạnh việc thường xuyên tích cực tham gia khóa đào tạo chuyên sâu nâng cao, thì bản thân mỗi chuyên gia, chuyên viên không được lơ là cảnh giác, phải chủ động cập nhật kiến thức, không ngừng trau dồi kỹ năng xử lý tình huống…, nhằm đối phó kịp thời với sự lớn mạnh, tinh quái và chuyên nghiệp của tội phạm an ninh thông tin.