Bryan Appleyard -
Naipaul thường cười vào cái hố sâu ngăn cách giữa ảo tưởng, thói tự phụ, sự kỳ vọng và sự phù phiếm với hiện thực. Ông là nhà văn bậc thày của hài kịch châm biếm. Ông từng nói, trong tiểu thuyết, ông chỉ mon men đi quanh nhân vật, chứ không phán xét họ. Nhưng để làm được như thế, ông cố gắng phơi bày mọi tật xấu của con người và những tình huống hài hước trong cuộc sống của họ. Cũng giống Joseph Conrad, bậc tiền bối thực sự của ông (mặc dù ông không bao giờ thừa nhận điều này), Naipaul nhìn con người ở sự khiếm khuyết, dù cái nhìn này đòi hỏi sự quan sát thật kỹ.
![]() |
Nụ cười kín đáo của Naipaul. |
- Ông làm mất nó một cách tình cờ chỉ trước khi gặp tôi ư?
- "Chính xác", ông nói và lại nhếch mép cười.
Với thể loại ký, nhà văn cũng áp dụng thủ pháp miêu tả vòng quanh như thế và tạo ra hiệu quả rất rõ nét. Tiêu biểu là Among the Believers: An Islamic Journey (Giữa những tín đồ: Một hành trình đạo Hồi) xuất bản năm 1981, chỉ bằng cách để cho người khác nói, ông đã phơi bày sự ảo tưởng, giận dữ và cuồng tín sẽ dẫn đến thảm họa 11/9 xảy ra vào 20 năm sau đó. Cuốn sách thực sự là một tư liệu mang tính tiên tri nhưng nó cũng là thứ khiến Naipaul bị cô lập. Ông cảm nhận rõ ràng trạng thái bị xa cách của mình khi nhận được lời mời đến Harvard sau khi cuốn sách xuất bản.
"Họ muốn thảo luận với tôi - Đó là những gì họ nói. Nhưng họ đâu có muốn điều đó. Họ muốn những đồng nghiệp của họ ở trường Đại học, mỗi người thể hiện một chút giận dữ và chỉ trích với tôi. Đó thực sự là một sự kiện gây sốc. Tôi nghĩ, đó là những gì xảy ra khi người ta đặt nguyên tắc của mình cao hơn sự thật... Bây giờ, nếu ai đó tự giới thiệu rằng họ đến từ Đại học Harvard, tôi cảm thấy như chính họ đang tự vả vào mồm mình", ông nói.
Harvard - và nhiều ví dụ khác nữa - đã chứng minh cho nhà văn thấy, sẽ chẳng thể chờ đợi được điều gì từ các học giả. Và ông cũng là người chỉ trích cay nghiệt đối với hệ thống trường Đại học.
"Tôi nghĩ, giới học giả kinh viện là những kẻ thật tồi tệ. Họ truyền bá các quan niệm và đòi hỏi mọi người phải chấp nhận. Họ xuất bản những cuốn sách cho các khóa học và nuôi ảo tưởng về khả năng phổ biến rộng rãi hoặc tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới của chúng. Nhưng không, đó chỉ là những tư tưởng nằm trong những cuốn sách giáo khoa xộc xệch bị nhồi nhét trong cặp sách của sinh viên", Naipaul chỉ trích.
![]() |
Nhà văn và vợ tại lễ nhận giải Nobel năm 2001. |
Bây giờ, nhà văn cho rằng, các khoa tiếng Anh tại các đại học ở Anh nên đóng cửa hết đi. "Tôi nghĩ đó sẽ là một sự kiện lớn, một vụ ầm ĩ trong đời sống của giới trí thức nước này. Nó sẽ ngay lập tức gây ra tác động kinh khủng. Vô khối nhân lực sẽ bị cắt bỏ. Tôi nghĩ họ có thể làm việc trên xe bus hoặc những nơi tương tự", ông lại nói và cười mỉm.
Naipaul không tin vào các quan niệm, các học giả, ông tin vào những câu chuyện. Khi tôi hỏi ông khái quát hóa về sự quan tâm của con người đến tính nhân bản cội rễ của đạo Hồi, ông đã kế một câu chuyện.
"Chuyện này xuất phát từ một cuốn sách gọi là Chachnama, miêu tả cuộc xâm lược vùng Sind (nay thuộc Pakistan). Một trong những người lính, khi nhìn thấy kẻ thù của mình cầu nguyện, tất cả đều cúi đầu đồng loạt, rất kỷ luật, anh ta sợ hãi quá và nói. "Ta không thể đánh bại được những người đó". Vì vậy, tôi nghĩ, đó có thể là sức hút của đạo Hồi: Được tham dự vào đám đông luôn ở bên cạnh bạn. Đó là nhu cầu được thuộc về một đám đông của con người".
Quan sát và suy xét là đặc trưng của cuốn sách mới A Writer’s People: Ways of Looking and Feeling của ông. Đây là một cuốn tự truyện, nhưng thường thì, tác phẩm của ông, dù sự thật hay hư cấu, đều ít nhiều có tính tự truyện.
A Writer’s People tập trung vào nỗi đau của một con người không có quá khứ - điều mà ông cảm thấy rất rõ ràng. Sinh ra tại Trinidad, ông hầu như không biết gì về các thế hệ tổ tiên trước bố mẹ mình.
"Tôi đọc Samuel Pepys. Tôi thực sự sốc khi biết Pepys có thể lần theo dấu vết tổ tiên mình tới thời họ là những nông nô trong thế kỷ 13. Điều đó thật tuyệt. Tôi không làm được như thế, tất cả dừng lại ở đời bố tôi. Tôi không biết gì về tổ tiên và cũng không còn ghi chép gì về họ. Tôi không có thời quá khứ xa ấy", ông nói.
Cộng đồng nhỏ người Ấn nơi ông lớn lên đã tự "sáng tác" nên một quá khứ cho riêng mình - một Ấn Độ tưởng tượng với sự vĩ đại và thứ vinh quang huyễn hoặc. Nhưng mẹ của nhà văn không thể chịu đựng nổi chuyện tưởng tượng đó. Trong cuốn sách này, Naipaul có dẫn lại nhật ký của mẹ ông khi bà về thăm quê hương bản quán. Bà đến thăm nhà người họ hàng và được mời một tách trà. Một phụ nữ dùng bàn tay lau sạch cái tách, một người khác mang đường tới, xúc một ít vào tách trà và dùng luôn ngón tay để ngoáy. Chỉ một hành động đơn giản, và theo bà là đáng ghê sợ ấy đã hủy diệt sự thú vị của mảnh đất quê hương...
Dù đói khát quá khứ, nhưng Naipaul vẫn có những quan sát đầy nghiệt ngã về thói xấu của quê hương, điều khiến ông càng có thêm lắm kẻ thù. Tại Ấn Độ tồn tại một quan niệm cho rằng, vì đạo Hindu hướng tới sự trong sạch, tinh khiết, nên Ấn Độ là một nơi đặc biệt sạch sẽ. Bằng việc quan sát và suy ngẫm, Naipaul đã bác lại niềm tin ngớ ngẩn đó. Ấn Độ với ông là một nơi bừa bộn, bẩn thỉu. Và bừa bộn, bẩn thỉu là điều mà ông ghét hơn hết thảy.
Naipaul từng gặp rắc rối ở Ấn Độ khi ông không chịu cởi giày trước khi bước vào một ngôi đền. "Quan niệm về sự trong sạch và tinh khiết của Ấn Độ rất không rõ ràng. Nhưng sẽ còn tệ hơn nếu phải cởi giày ra. Tôi đã làm như vậy năm 1962 và sau đó, tôi bị bệnh nấm ecpet mảng tròn. Đi chân trần hành lễ là một ý tưởng hay, nhưng nếu không đảm bảo vệ sinh, nó sẽ gây hậu quả kinh khủng".
Naipaul năm nay 75 tuổi, và tôi đoán, ông còn vài năm nữa để nói sự thật và kiếm kẻ thù. Tôi hy vọng vậy, bởi ngay cả khi nhếch mép cười thầm, ông vẫn là con người nghiêm túc nhất mà tôi từng biết. Sự cống hiến mộc mạc và khắc khổ cho nghệ thuật cũng như lòng can đảm dám nói lên sự thật của ông thể hiện sự nghiêm túc ở tầm cao - điều dường như đã biến mất trong xã hội Anh đương thời...
H.T. dịch
(Nguồn: TOL)