Theo thông báo của VPF - đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam, VAR sẽ được áp dụng từ giai đoạn hai của V-League mùa này. Do hạn chế về tài chính và kỹ thuật, công nghệ này chỉ được thực hiện đơn lẻ ở một vài trận đấu.
Về lý thuyết, VAR sẽ giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn. Nhưng việc "thực thi công lý" đó đôi khi sòng phẳng đến mức tàn nhẫn, như trong trường hợp Man City bị Tottenham loại khỏi Champions League mới đây. Chính vì thế, VAR cũng có những hạn chế. Công nghệ này chỉ áp dụng trong các tình huống có khả năng dẫn đến việc thay đổi kết quả trận đấu như bàn thắng, thẻ đỏ. Ngoài ra, VAR cũng chỉ tập trung cho những trường hợp các trọng tài trên sân không quan sát được do các yếu tố chủ quan như bị khuất tầm nhìn, tốc độ bóng đi quá nhanh hay bị cầu thủ cố tình đánh lừa. Tuy nhiên, có hay không VAR, quyết định cuối cùng trên sân vẫn là trọng tài chính. Điều này có nghĩa, việc quan trọng nhất vẫn là trận đấu phải được điều hành bởi trọng tài tốt. VAR chỉ là công nghệ hỗ trợ, để quá trình điều hành trận đấu của trọng tài từ tốt trở nên hoàn hảo hơn, chứ VAR không làm thay công việc của trọng tài.
Ở V-League, trọng tài của Việt Nam thường mắc các sai lầm thuộc về chuyên môn chứ không phải mang yếu tố khách quan. Nghĩa là họ đứng sai vị trí, chọn góc quan sát không phù hợp, thấy rõ tình huống nhưng lại quyết định sai....Những điều đó, thông thường VAR không thể can thiệp.
Lấy ví dụ ngay tại V-League 2019. Sau 5 vòng, trong số 5 trọng tài đã bị treo còi, treo cờ thì đa số các sai sót VAR cũng phải... bó tay. Việc trọng tài Trần Đình Thịnh không bắt lỗi di chuyển của thủ môn Nguyễn Văn Công (Hà Nội) trong trận đấu Viettel tại vòng 3 là lỗi về trình độ kém, không nắm chắc luật lệ ngay trong một tình huống cố định. Điều này quá rõ ràng. Kế tiếp, trọng tài Trần Trung Hiếu bị treo còi tại vòng 5 vì phạt thẻ đỏ nhầm người trong trận Hải Phòng – Đà Nẵng, đó là lỗi nghiệp vụ. Còn lại là những tình huống để bóng chạm tay rất rõ ràng, ngay trong tầm quan sát, nhưng các trọng tài lại bỏ qua không những một mà đến hai lần chỉ trong một trận. Những sai sót theo kiểu "ai cũng thấy, mỗi trọng tài không thấy" kể trên thuộc về "lỗi nhận định" - một cụm từ thường được gắn với các biểu hiện tiêu cực của bóng đá Việt Nam từ trước đến nay. Mà đã là "lỗi nhận định" thì có VAR hay không cũng vậy, bởi quyết định cuối cùng vẫn thuộc về... nhận định của trọng tài. Đấy là chưa kể đến việc nếu không công bố hình ảnh từ VAR lên truyền hình thì chưa chắc khán giả đã thấy được những gì các trọng tài thấy.
Đây chính là điểm dẫn đến nghi ngờ về tính khả thi trong việc áp dụng VAR cho V-League. VAR không thể áp dụng rộng rãi cho mọi tình huống trên sân, trong khi đó để "phá hỏng" một trận đấu thì có rất nhiều nguyên nhân đến từ trọng tài chứ không chỉ là những tranh cãi về bàn thắng.
Ở các giải đấu hàng đầu thế giới, trước khi có VAR, dù trọng tài có sai sót dẫn đến kết quả chưa công bằng, thì người hâm mộ vẫn tin rằng trận đấu được điều hành công tâm. Trong khi đó, với trọng tài Việt Nam, sự nghi ngờ đã xuất hiện ngay từ lúc phân công trọng tài, rồi diễn biến trận đấu bị bẻ cong bởi các quyết định thiên vị, gây ức chế... đa phần xuất phát từ trình độ và ý thức nghề nghiệp của trọng tài Việt Nam không cao.
Dẫu sao, đưa công nghệ VAR vào V-League là một quyết định dũng cảm của các nhà tổ chức, thể hiện được cam kết nâng cao chất lượng của giải đấu nhằm thu hút người hâm mộ. Bản thân VAR, nếu được áp dụng sớm, có thể cũng sẽ giảm số lượng trọng tài bị kỷ luật vừa qua. Việc nhanh chóng "cập nhật" VAR sớm cũng là một cách để cải thiện hình ảnh của V-League.
Chỉ có điều, VAR ở V-League sẽ chỉ được áp dụng theo kiểu "con nhà nghèo" với những xe lưu động ở vài trận đấu, số lượng máy quay chỉ đạt mức cơ bản và.... chất lượng trọng tài thì vẫn vậy. Thế nên, cũng đừng quá kỳ vọng vào VAR tại V-League, mà hãy hy vọng với sự xuất hiện của kỹ thuật này, các trọng tài sẽ tập trung hơn về chuyên môn, cẩn thận hơn về nhận định để đừng bị chính VAR "bắt lỗi" ở những tình huống mà trọng tài còn nhìn rõ hơn VAR.
Song Việt