Mười năm đầu tiên kể từ khi V-League ra đời - giai đoạn 2001-2009, chức vô địch V-League đều thuộc về các đội bóng đóng quân từ Đà Nẵng đổ vào. Chỉ đến khi Hà Nội FC - tiền thân là Hà Nội T&T - xuất hiện, cán cân quyền lực bóng đá Bắc - Nam mới trở nên cân bằng. Đội bóng thủ đô tạo nên sự thống trị chưa từng có tiền lệ kể từ lần lên ngôi đầu tiên năm 2010.
Nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Hà Nội không còn như xưa. Mùa trước, nếu không vì hủy giải, có thể họ đã phải "đi chung kết ngược". Sau đó, lần đầu tiên Hà Nội bổ nhiệm một HLV nước ngoài - một dấu hiệu cho thấy có thể họ muốn tìm kiếm động lực mới ở đấu trường quốc tế. Nhưng khi mọi chuyện chưa vào đâu thì mới đây HLV Park Choong Kyun bất ngờ từ chức, nhường lại vị trí cho trợ lý Chun Jae-ho khi mùa giải chỉ còn vài ngày nữa là khởi tranh.
Khao khát của Hà Nội cũng không còn nguyên vẹn khi lực lượng thiếu đột phá. Trong đợt tập trung mới nhất của HLV Park Hang-seo, chỉ sáu cầu thủ Hà Nội lên tuyển, và một trong số đó - Trần Đình Trọng - giờ là người của Bình Định, còn Bùi Tấn Trường là thủ môn và nhiều tuổi. Gương mặt mới Phạm Tuấn Hải có thể gây ấn tượng trên tuyển, nhưng tại Hà Nội, anh khó có cơ hội đá chính vì truyền thống dùng tiền đạo ngoại của đội bóng này. Vì thế, Hà Nội vẫn có khả năng tranh chấp, nhưng khó có thể xếp họ vào diện ứng cử viên nặng ký nhất cho ngôi vô địch V-League 2022.
Ngược với sự đi xuống của Hà Nội là sự trỗi dậy của các thế lực mới sau đèo Hải Vân. Năm ngoái, HAGL cho thấy họ có đủ năng lực đua tranh chức vô địch, khi đứng đầu suốt 12 vòng cho đến khi giải bị hủy vì Covid-19. Điểm mạnh nhất của đội bóng phố núi là sự ổn định nhân sự và độ tuổi trung bình của dàn trụ cột đang ở thời kỳ chín chắn. HLV Kiatisuk cũng thuộc diện đẳng cấp cao nhất nếu so với dàn cầm quân hiện tại ở V-League.
Trong khi TP HCM, Bình Dương hay Sài Gòn đều giàu kinh nghiệm và có tiềm lực, tân binh Bình Định dường như cũng "gặp thời". Năm ngoái, khi họ mới chân ướt chân ráo lên V-League, giải đấu bị hủy, và nhờ thế, đội bóng đất Võ có thêm thời gian để tăng cường lực lượng cũng như hoàn thiện các điểm mạnh của bản thân. Từ chỗ có thể bị xuống hạng, với chiến dịch chiêu binh mãi mã rầm rộ vừa qua, Bình Định bây giờ là một ứng cử viên.
V-League mùa 2022 phía Nam chỉ có sáu đội, nhưng hầu như không đội nào thuộc diện với nguy cơ cao xuống hạng. Ngược lại, sau khi Quảng Ninh giải tán, bóng đá phía Bắc còn đến bảy đại diện, nhưng ba trong số đó - gồm Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh - nhiều khả năng lại bị xếp vào nhóm cuối. Trong bốn đội còn lại, những thay đổi theo hướng tăng cường "chất Nghệ" tại SLNA đã vô tình khiến cho cơ hội của Hà Nội hay Viettel trở nên yếu đi so với trước. Bóng đá phía Bắc thường không quen "nhường nhịn" nhau như nhóm các đội bóng phía Nam. Cứ mỗi lần sân Hàng Đẫy đón CĐV từ Hải Phòng, Nghệ An hay Nam Định, Thanh Hóa, tình hình an ninh sẽ là mối quan tâm hàng đầu vì các yếu tố thù địch.
Đó cũng là chi tiết mà mùa này, Hà Nội không còn được xem là ứng viên kể cả khi chất lượng con người, lối chơi của họ vẫn đứng đầu V-League. Không còn Quảng Nam và Quảng Ninh ở V-League, trong khi Đà Nẵng hay Hà Tĩnh thuộc nhóm trung bình. Như vậy, lợi thế mà người trong giới vẫn hay gọi là "5 đánh 1" của Hà Nội đã không còn tồn tại. Chi tiết này từng bộc lộ ở mùa trước khi đội bóng thủ đô "cô đơn" trong bối cảnh các đội bóng thân quen đều rơi vào cảnh tự cứu còn chưa xong. Khi nội lực bị sứt mẻ, ngoại lực lại có sự "kèn cựa" với Viettel hay Thanh Hóa, Nghệ An... khiến sức lực của Hà Nội ít nhiều sẽ tiêu hao cho những cuộc chiến với các đội miền Bắc.
Ngược lại, ở phía Nam, bộ đôi HAGL - Bình Định vừa là "láng giềng" vừa có thể là "anh em" do yếu tố cư dân của hai địa phương này. Tam giác Bình Dương – TP HCM - Sài Gòn cũng có thể xem là một thành trì quan trọng để bóng đá phía Nam có được chức vô địch lần đầu tiên sau ba mùa liên tiếp Cup nằm ở Hà Nội.
Song Việt