Hà Nội bị Lỗ Năng Sơn Đông (Trung Quốc) đánh bại ở trận play-off AFC Champions League nhưng cũng làm được một việc quan trọng. Đó là chứng tỏ bóng đá cấp CLB của Việt Nam có hy vọng vươn tầm châu Á, tương tự như đội tuyển quốc gia dưới thời HLV Park Hang-seo. Trận thua của Hà Nội trước Sơn Đông cũng như thất bại của Việt Nam trước Nhật Bản hay Iran, để lại cảm giác tiếc nuối nhiều hơn thất vọng.
Ở đâu cũng thế, đội tuyển quốc gia mạnh thì CLB không thể yếu. Năm 2008, Việt Nam vô địch AFF Cup thì năm 2009, Bình Dương vào đến bán kết AFC Cup. Ngược lại, khi các đại diện Việt Nam thua tơi tả ngay trước các CLB đến từ Indonesia hay Thái Lan, tình cảnh của đội tuyển cũng bi quan không kém.
Từ lâu bóng đá Thái Lan đã nhận ra vấn đề này. Sau hai thập niên là số một Đông Nam Á, tuyển thủ Thái Lan kéo nhau xuất ngoại, nhưng đội tuyển vẫn không thể qua nổi vòng bảng Asian Cup. Họ quyết tâm cải tổ giải vô địch quốc gia, rồi cũng có quả ngọt đầu tiên là vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á. Dù chưa đạt được thành công ở lần đó, Thái Lan biết rằng nếu không tiếp tục phát triển Thai League thì sẽ chẳng có cơ hội nào cả.
Bóng đá Việt Nam thì sao? Sau hơn một năm tưng bừng ở cấp độ U23 và tuyển quốc gia, liệu V-League 2019 có được người hâm mộ đón nhận hào hứng?
Có người từng nói, nếu không có nghịch lý, sẽ không phải là... bóng đá Việt Nam. Nếu đội tuyển quốc gia đang có một thế hệ khao khát chiến thắng, ở V-League cũng có một "thế hệ" các CLB chỉ quan tâm đến trụ hạng. Nếu các giải đấu thường hấp dẫn ở lượt về, V-League lại chỉ sôi động ở lượt đi - khi chưa xác định đội nào là ứng viên xuống hạng.
Sau khi thủ môn Bùi Tiến Dũng chuyển đến, mùa này Hà Nội có thể đưa vào sân đủ 11 vị trí là tuyển thủ quốc gia. Với một lực lượng như vậy, chẳng cần đến "thuyết âm mưu" bầu Hiển có đến bốn hay năm đội, Hà Nội vẫn "vô đối".
Chưa dừng lại ở đó. Lần gần nhất HAGL lọt vào top 3 cuối mùa là năm 2013, thời điểm chưa có lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... Bốn năm qua, dù những ngôi sao này đã trưởng thành, HAGL vẫn kết thúc các mùa giải ở nửa dưới bảng điểm. Năm nay, họ lại để Công Phượng, Xuân Trường ra nước ngoài thi đấu, coi như chẳng có hi vọng gì ở V-League và đương nhiên là Hà Nội cũng không còn đối trọng nào để có thể chơi hết sức mình, nhất là khi đối thủ vẫn hay "kèn cựa" với họ là Thanh Hóa đã buông tay sau khi doanh nghiệp rút tài trợ.
Nhưng sự vượt trội của Hà Nội cũng sẽ tạo ra sự hấp dẫn của mùa bóng này. Đá với Hà Nội lúc này tự nhiên... rất dễ. Các đối thủ của họ chẳng có gì để mất. Thua là bình thường, thắng thì xem như vừa lấy ba điểm trước... đội tuyển quốc gia. Đó là chưa kể, nhiều cầu thủ V-League hiện nay đều muốn lọt vào mắt xanh của HLV Park Hang-seo, mà các trận có Hà Nội thi đấu thì chắc chắn được ưu tiên chọn xem của HLV người Hàn Quốc cũng như các đồng sự.
Ngoài ra, không có nhiều ứng viên nhưng Hà Nội sẽ có nhiều đối thủ. Kình địch bấy lâu nay có Bình Dương, HAGL, Hải Phòng... Bây giờ có thêm trận "derby thủ đô" gần 10 năm mới xảy ra sau khi "Thể công 2.0" là Viettel thăng hạng.
V-League 2019 có thể sẽ khởi đầu với một hoàn cảnh hơi khác thường: không thấy ai bàn luận về các ứng cử viên vô địch - điều vẫn thường thấy ở mọi giải đấu. Nhưng hy vọng sự hấp dẫn của nó sẽ giúp người hâm mộ tỉnh ngủ, chứ không phải thức uống của nhà tài trợ.
Song Việt