Vòng 1 có 17 thẻ vàng, một thẻ đỏ và 67.000 khán giả đến sân. Vòng 2 lần lượt có 22 thẻ vàng, một thẻ đỏ và 53.000 người. Vòng 3 là 25 thẻ vàng, 2 thẻ đỏ và 51.000 người. Bạo lực tăng thì khán giả giảm, đó là bài toán đơn giản về tỷ lệ thuận trong bóng đá.
Hình ảnh cầu thủ Trần Văn Kiên của CLB Hà Nội "khoe" đôi chân rướm máu sau trận derby Thủ đô với Viettel hôm 6/3 chỉ là phần nhỏ của một bức tranh đậm mùi bạo lực trên sân Hàng Đẫy. Có tổng cộng 8 thẻ vàng và một thẻ đỏ đã được trọng tài rút ra. Trong đó, đội bóng nhận đến 6 thẻ vàng và một thẻ đỏ là CLB Hà Nội - vốn được đánh giá mạnh hơn về trình độ cũng như có lối chơi tấn công đẹp mắt.
Bởi vậy, số lượng thẻ phạt chỉ là một nửa sự thật. Trận đấu chỉ có 3 thẻ vàng trên sân Vinh giữa SLNA và Bình Dương không vì thế mà đáng xem hơn. Thời gian bóng sống chỉ khoảng 65 phút, còn lại là các pha nằm sân, phạm lỗi và tranh cãi. Có ít nhất hai lần, nếu không được trọng tài can thiệp đúng lúc, cầu thủ hai đội đã ẩu đả trên sân. Ở một diễn biến như vậy, thật khó hi vọng được xem một trận đấu hấp dẫn. Ngoài ba bàn thắng, phần còn lại chất lượng chuyên môn rất tệ với hàng chục lần cầu thủ đôi bên chuyền sai, đỡ bước một hỏng và tấn công đơn điệu bằng các pha chuyền dài thiếu chuẩn xác. Sau trận, HLV Trần Minh Chiến còn tố trọng tài đã thiên vị đội chủ nhà SLNA, và cho rằng đấy là nguyên nhân khiến trận đấu bị nát vụn bởi các lỗi 12.
Đó chỉ là một trong bốn trận (trong tổng số bảy trận mỗi vòng) các trọng tài bị "tố". Trưởng đoàn của CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh khẳng định các trọng tài đã cướp hai quả phạt đền khiến đội nhà thua Sài Gòn FC 1-3. HLV Lê Huỳnh Đức cũng cho rằng lẽ ra Đà Nẵng đã có ba điểm, chứ không phải vất vả thủ hòa 2-2 vào phút chót, nếu như trọng tài đừng mắc những "lỗi buồn cười, thiên vị đội khách Quảng Nam"...
Sau thành công vang dội của các cấp đội tuyển, vì sao chỉ ba vòng đấu mà V-League 2019 đã đi ngược lại với sự kỳ vọng của người hâm mộ?
Để trả lời câu hỏi này, đơn giản nhất là nhìn vào... cái mặt sân. Ở vòng 2, HLV Nguyễn Đức Thắng của SLNA đổ lỗi rằng mặt sân là nguyên nhân khiến ngôi sao Phan Văn Đức cũng như hai cầu thủ khác của đội chủ nhà Quảng Ninh bị chấn thương. Do sân Cẩm Phả đang sửa chữa, các trận đầu mùa của Quảng Ninh được tổ chức trên sân Cửa Ông vốn thi thoảng vẫn dùng để tổ chức các trận đấu cấp địa phương. Ở trận đấu tại sân Vinh vừa qua, pha ghi bàn gỡ 1-2 của Bình Dương cũng có sự góp công rất lớn của mặt cỏ, khi bóng nẩy ngoài phán đoán của thủ môn bên phía SLNA.
Theo lãnh đội Quảng Ninh, sân Cẩm Phả khi làm xong sẽ có tiêu chuẩn Đông Nam Á. Ngay cả như vậy, đây cũng chỉ là đội thứ ba tại V-League (sau Hà Nội và CLB TP HCM) tích cực đầu tư cho hệ thống sân bãi, bao gồm mặt sân thi đấu cũng như dịch vụ đi kèm. Còn lại, trong năm thứ 18 lên chuyên nghiệp của V-League, ở đa số các sân bóng, cầu thủ vẫn dùng nhà vệ sinh chung với... khán giả. Vậy nên, đòi hỏi chuyện đầu tư và chăm sóc cho mặt cỏ nhằm phục vụ thi đấu là điều quá xa vời. Hoàn cảnh của CLB là một chuyện, nhưng việc các nhà tổ chức vẫn chấp nhận để V-League thi đấu trên một sân bóng không đúng tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp cho thấy chính những người đặt ra các điều luật còn tự mình làm sai.
Xem ra, mọi thứ chưa có gì mới mẻ ở V-League bất chấp đây là mùa giải mà những nhà tổ chức nhận được hợp đồng tài trợ "khủng", được hưởng lợi rất nhiều từ thành tích của đội tuyển quốc gia. Sự phát triển của bóng đá nội địa tại Việt Nam như một bản qui hoạch kém. Những đội bóng đang đầu tư hướng đến cái đẹp phải tự hạ thấp tiêu chuẩn để chơi bóng trong điều kiện của những thập niên trước. Những cầu thủ đang phô diễn trình độ ở cấp độ châu Á vẫn phải tự bảo vệ mình trước các pha vào bóng triệt hạ, được dung dưỡng bởi trình độ yếu kém của các trọng tài.
Thế nên, bạn có thể bất ngờ nhưng đừng quá ngạc nhiên khi thủ quân đội tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải mới đá hai trận đã nhận một thẻ đỏ, đi kèm là các pha bóng mang tính bạo lực, đến mức chính đội bóng chủ quản của anh là Viettel phải ban hành kỷ luật nội bộ.
Câu "môi trường nào, con người ấy" quả rất hợp với V-League lúc này.
Song Việt