Trong tuyên bố hôm nay, Ủy hội Sông Mekong (MRC) kêu gọi Trung Quốc "công bố dữ liệu quanh năm một cách kịp thời, nhằm giúp theo dõi và báo cáo hiệu quả về lũ lụt và hạn hán" trên sông Mekong, cũng như phục vụ công tác dự báo của các nước láng giềng.
Đây được cho là bình luận hiếm hoi trực tiếp nhắm vào Trung Quốc của MRC, tổ chức liên chính phủ về đối thoại và hợp tác tại hạ lưu sông Mekong, gồm các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Động thái được đưa ra vài tháng sau khi mực nước trên con sông dài nhất Đông Nam Á, đem lại sinh kế cho 60 triệu người, xuống mức thấp kỷ lục.
Hậu quả là cả Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đều phải hứng chịu hạn hán nghiêm trọng vào năm ngoái. Theo các chuyên gia của MRC, ba lý do dẫn tới mực nước thấp chưa từng có ở lưu vực sông Mekong là lượng mưa giảm, đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm mức xả để "bảo trì lưới điện", cùng tình trạng thời tiết khô nóng hơn bình thường ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh do tổ chức giám sát Eyes on Earth có trụ sở ở Mỹ công bố hồi tháng 4 cho thấy các con đập Trung Quốc xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong có "lưu lượng dòng chảy tự nhiên cao hơn trung bình".
Trung Quốc đã xây dựng 11 con đập trên đoạn sông Mekong thuộc lãnh thổ nước này, trong khi các quốc gia ở hạ lưu cũng đã hoặc sắp xây hàng chục đập thủy điện, bao gồm nhiều dự án do những công ty được Trung Quốc hậu thuẫn tài trợ.
Việc xây hàng loạt đập thủy điện tại Trung Quốc, cũng như Lào, khiến Mỹ tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cảnh báo mục tiêu của Trung Quốc là kiểm soát dòng chảy ở hạ lưu sông Mekong.
Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần phủ nhận trách nhiệm với tình trạng mực nước thấp trên sông Mekong. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết họ đã xả lượng nước nhiều hơn so với yêu cầu của Thái Lan, quốc gia trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng hồi năm ngoái.
Ánh Ngọc (Theo AFP)