Sáng 5/1, Quốc hội nghe báo cáo đánh giá thực hiện Nghị quyết 30 về chính sách phòng, chống Covid-19. Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết cơ quan này nhất trí chuyển tiếp một số chính sách của Nghị quyết 30 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, gia hạn đến hết năm 2024 trên cơ sở danh mục do Bộ Y tế công bố.
Tuy nhiên, bà Thúy Anh nhấn mạnh đây chỉ là giải pháp tình thế. Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết các vướng mắc.
Từ cuối năm 2019, nhiều thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn đăng ký lưu hành, nhưng không kịp thời được gia hạn. Tình trạng này trầm trọng trong các năm 2020, 2021 do tác động của Covid-19.
Số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành phải xử lý từ nay đến hết năm 2023 khoảng 14.000. Việc gia hạn kịp thời theo quy định tại Luật Dược đối với số thuốc trên là không khả thi.
Theo Bộ Y tế, thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết hiệu lực giấy đăng ký lưu hành nhưng chưa được gia hạn hoặc cho phép tiếp tục sử dụng, sẽ tác động trực tiếp đến nguồn cung thuốc cho khám chữa bệnh, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thuốc. Các doanh nghiệp sẽ không được tiếp tục sản xuất, nhập khẩu với các loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc này.
Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội thông qua nghị quyết ghi nhận thành quả công tác chống dịch; cho phép tiếp tục một số chính sách giải quyết vướng mắc về chống Covid-19.
Chính phủ được đề nghị nhanh chóng giải quyết khó khăn trong chi trả cho lực lượng tham gia chống dịch; thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho cơ sở y tế và người bệnh Covid-19; tăng tốc giải ngân một số chính sách về tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp thực hiện năm 2023.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 về phòng chống Covid-19, bà Thúy Anh nói Chính phủ và các địa phương đã có nhiều biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; duy trì sản xuất kinh doanh; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách còn thực hiện chậm, lúng túng; văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc chậm; một số văn bản chưa bao quát hết nội dung về mức chi, diện thụ hưởng, phương thức thanh toán chi phí và nguồn chi trả. Việc này gây khó khăn cho các đơn vị trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, huy động y tế tư nhân tham gia còn hạn chế do thiếu cơ chế và chính sách; thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa Covid-19 còn vướng mắc; thanh toán chế độ với lực lượng tham gia chống dịch chưa kịp thời. Trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế còn sai phạm gây bức xúc dư luận.
Chậm thanh toán chi phí điều trị người bệnh Covid-19 và chế độ cho người tham gia chống dịch "làm ảnh hưởng tới cơ sở y tế, tâm lý y, bác sĩ và đội ngũ tham gia chống dịch". "Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 12 giải quyết khó khăn này, nhưng Chính phủ, Bộ Y tế chưa tận dụng đầy đủ cơ hội. Tình trạng này có thể tái diễn nếu ngành y tế không bố trí đủ nguồn nhân lực và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và quy trình gia hạn", bà Thúy Anh nói.
Báo cáo trước đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tại 48 tỉnh, thành phố, việc chi trả kinh phí cho một số hoạt động phòng, chống dịch vẫn đang triển khai. Trong đó, chi chế độ đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế là 116 tỷ đồng; chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị công lập 1.926 tỷ đồng; chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19 khoảng 1.200 tỷ đồng...
"Để bảo đảm quyền lợi của những người thụ hưởng theo Nghị quyết số 30 cần thiết phải chuyển tiếp thanh toán cho đến khi việc này hoàn thành", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Sơn Hà - Viết Tuân