Những lo ngại này được đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách đặt ra khi Quốc hội thảo luận chiều 20/10 về tình hình thu chi năm 2014 và kế hoạch 2015.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng Tài chính - Đinh Tiến Dũng, Chính phủ đề nghị cho giữ mức bội chi ngân sách năm 2014 bằng 5,3% GDP và 5% cho năm 2015. Lý do là nhu cầu tăng chi lớn để trả các khoản nợ ngắn hạn, đáp ứng các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới... Với mức này, nợ công năm 2015, theo tính toán của Chính phủ sẽ vào khoảng 64,5% GDP, vẫn trong phạm vi quy định.
Tuy vậy, theo báo cáo thẩm tra được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách - Phùng Quốc Hiển trình bày, nếu cộng cả 85.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ thì mức bội chi đã là 7% GDP. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan điều hành không thể hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đã được Quốc hội quyết định (4,5% GDP). Do đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ cần có lộ trình giảm bội chi, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
“Nợ công vẫn ở dưới mức cho phép nhưng đã trạm trần. Điều này phản ánh tình hình đang rất khó khăn, vì nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách vẫn ở mức cao, phải đảo nợ và số đảo ngày càng tăng. Một số khoản cũng chưa được phản ánh đầy đủ vào nợ công. Như vậy, áp lực lên ngân sách là rất lớn”, ông Hiển lo ngại.
Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 trong phiên khai mạc do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày cũng nhận định nợ công đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo đó, tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách hiện tương ở mức 14,2%, vẫn trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công là không quá 25%. Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.
Liên quan đến vấn đề tăng lương tối thiểu, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị bố trí nguồn để tăng theo lộ trình. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh NSNN còn khó khăn, bộ máy còn cồng kềnh, năng suất lao động còn thấp nên cần phải cân nhắc.
Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị, năm 2015 Chính phủ cần tăng cường quản lý không để xảy ra tình trạng phụ thu, lạm bổ vốn đã xảy ra ở một số địa phương. Đồng thời, cần tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, trong đó không bố trí kinh phí cho mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, chi cho khởi công, khánh thành các công trình.
Chí Hiếu