Tại phiên làm việc chiều nay (23/10), ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Tài chính - đã thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết điều chỉnh dự toán ngân sách. Theo đó, Chính phủ đề nghị cắt, giảm một số khoản chi và nâng trần bội chi đã được Quốc hội quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. Trước đề xuất này, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách bày tỏ sự nhất trí của cơ quan thẩm tra.
Ngoài ra, trong bối cảnh hụt thu lớn như hiện nay, Chính phủ cũng đề nghị thực hiện cơ chế thu vào ngân sách 75% tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; tiền thu cổ tức của Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước chưa nộp tập trung vào Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đồng thời, một số địa phương không đủ nguồn bù đắp hụt thu sẽ được sử dụng không quá 70% Quỹ dự trữ tài chính.
Bên cạnh đó, những mất cân đối như chưa bố trí đủ nguồn trả nợ đến hạn, bù lãi suất cho hai ngân hàng chính sách, nợ Quỹ bảo hiểm xã hội, thu hồi đủ số vốn ứng trước, số nợ Quỹ hoàn thuế của các năm trước sẽ được xử lý vào các năm sau để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng thông tin thêm, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính Ngân sách không nhất trí cắt giảm 5.000 tỷ đồng ngân sách chi một số lĩnh vực (trong đó có chi cho giáo dục, y tế và bảo đảm xã hội). "Đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc bù hụt thu cho một số địa phương gặp nhiều khó khăn", ông Hiển cho hay.
Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối ngân sách ước đạt hơn 752.000 tỷ đồng, giảm gần 64.000 tỷ đồng so với dự toán. Dù hụt thu như vậy nhưng Ủy ban Tài chính Ngân sách vẫn đánh giá cao nỗ lực điều hành chi ngân sách của Chính phủ khi cơ bản đảm bảo việc chi tiêu trong năm. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Ủy ban này nhận thấy chính việc ban hành nhiều chế độ, chính sách mới đã làm tăng chi cho ngân sách.
Thanh Lan - Thanh Bình