Sáng 20/5, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trình bày báo cáo thẩm tra kinh tế xã hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
Ông Thanh đánh giá thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Nhiều phân khúc có dấu hiệu tăng giá trở lại, như chung cư ở trung tâm hay vùng ven Hà Nội đều cao đột biến.
"Thậm chí, căn hộ nhà xã hội đã qua sử dụng nhiều năm vẫn tăng giá, ngoài khả năng chi trả của người lao động", ông nói.
Nguyên nhân được chỉ ra là nguồn cung chung cư tại Hà Nội thực sự khan hiếm. Số lượng dự án ngày càng hạn chế trong những năm gần đây. Trong khi nhu cầu của khách hàng, đặc biệt các gia đình trẻ còn rất lớn.
Cùng đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến chung cư sơ cấp và thứ cấp bị đẩy giá lên cao, người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận. Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, ông Thanh cho biết tình trạng đẩy giá chung cư "trầm trọng hơn do tình trạng đầu cơ gia tăng".
Giá chung cư bị đẩy lên cao cũng được Bộ Xây dựng ghi nhận trong quý I năm nay. Bộ chỉ ra giá chào bán phân khúc này liên tục tăng trên thị trường sơ cấp và mua đi bán lại. Trong đó, nhiều dự án rao bán trên 60 triệu đồng, thậm chí hơn 150 triệu đồng mỗi m2. So với năm 2019, chung cư đầu năm nay đã tăng giá gần 40%. Có những dự án đã sử dụng 5-10 năm, thậm chí nhà tập thể cao tầng cũ bị đẩy giá khá cao.
Theo Ủy ban Kinh tế, tình trạng giá bị đẩy lên cao cũng diễn ra tương tự với nhà ở xã hội, khiến người có nhu cầu thực sự không thể mua. Nhiều người đầu cơ sản phẩm này khiến khoảng chênh giữa giá bán chủ đầu tư đăng ký và giá bán thực tế rất lớn.
Theo quy định, bên mua, thuê mua nhà xã hội không được bán lại nhà ở trong vòng 5 năm. Những người này đã "lách luật" bằng cách bán căn hộ thông qua hợp đồng đặt cọc và ủy quyền. Bên mua và bán sẽ ký hợp đồng đặt cọc với giá trị cọc bằng giá căn hộ, sau đó ký hợp đồng ủy quyền để bên đặt cọc có quyền sử dụng căn hộ. Khi hết thời hạn 5 năm, các bên ký hợp đồng mua bán và hoàn thiện thủ tục sang tên.
Cùng với đà tăng giá đột biến của chung cư, nhà xã hội, cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho biết giá đất nền cũng có dấu hiệu tăng trở lại ở các thành phố lớn, ảnh hưởng đến nhu cầu về nhà ở của người dân.
Tình trạng đầu cơ đất đai gây ra nhiều hệ lụy, theo Ủy ban Kinh tế. Bởi người có nhu cầu thực không thể tiếp cận đất đai trong khi nhà đất bị bỏ hoang do đầu cơ. Nguồn lực xã hội thay vì dành cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm lại bị "chôn" vào đất, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
"Người có nhu cầu mua nhà đất để ở đang phải trả một khoản tiền lớn cho giới đầu cơ, nghĩa là lực lượng yếu thế trong xã hội, những người nghèo đang phải chi trả cho người giàu cho nhu cầu cơ bản về nhà ở", ông Thanh nói. Điều này khiến tình trạng gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng trầm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá thực trạng trên và đề ra giải pháp căn cơ để giải quyết. Với nhà ở xã hội, cơ quan này đề nghị thanh tra toàn diện và có giải pháp xử lý tình trạng lách luật đầu tư, mua bán phân khúc này.
Ngọc Diễm