Chiều 18/4, bên lề phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, thứ ba 23/4 tới, Ủy ban sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an về bê bối gian lận thi cử tại Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang.
"Tôi rất muốn biết chuyện gì đang xảy ra, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lại chưa dám nói. Luật hiện hành đã quy định xử lý cả ba đối tượng gồm người tổ chức, người tham gia và người hưởng thụ, vậy tại sao lại không làm được?", ông Bình băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng muốn tại cuộc họp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải nói ra hết những vướng mắc để từ đó tìm cách giải quyết. Để Bộ không ngại ngần thông tin, cuộc họp sẽ được tổ chức kín, không mời báo chí.
Trước đó, trả lời VnExpress, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải công khai danh tính phụ huynh dùng quyền, dùng tiền để mua điểm thi cho con. Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng phụ huynh nếu đưa tiền để sửa điểm sẽ bị xử lý về tội Đưa hối lộ, theo quy định tại điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu không dùng tiền mà dùng ảnh hưởng, chức quyền sẽ có tội danh tương ứng.
"Hành vi can thiệp dưới bất cứ hình thức nào để điều chỉnh điểm thi đều có tính chất tham nhũng, hối lộ, nhất là việc sửa điểm để đủ điều kiện xét tuyển vào khối công an, quân đội - những ngành tuyển sinh đồng thời tuyển dụng", bà Hoa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá: "Dùng tiền để mua điểm, mua cơ hội cho con em là hành vi không thể chấp nhận về mặt đạo đức và có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ. Cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý, tùy theo mức độ vi phạm".
Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La xảy ra gian lận điểm thi. Công an xác định có 114 thí sinh ở Hà Giang được nâng điểm và đã trả về điểm thực trước mùa xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2018. 64 em ở Hòa Bình và 44 em ở Sơn La được nâng điểm. Rất nhiều người trong số này đã nhập học tại các trường công an, quân đội, y khoa.
Theo quy chế, điểm chấm thẩm định là điểm chính thức của thí sinh, được sử dụng để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Trong khi chờ cơ quan công an làm rõ sai phạm của thí sinh, nếu đủ điểm vào các trường đại học, những em này được tiếp tục học. Nếu xác định rõ sai phạm, thí sinh sẽ bị xử lý.
Hiện 16 cán bộ liên quan đến sai phạm thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La đã bị khởi tố, bắt giam.