"Là cơ quan phụ trách bầu cử, chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo cuộc bầu cử thành công và chúng tôi cũng cần đảm bảo đất nước phải trong tình trạng hòa bình để có thể tổ chức bỏ phiếu", Somchai Srisutthiyakorn, quan chức thuộc Ủy ban Bầu cử Thái Lan nói với Reuters.
"Chúng tôi không muốn đó là ngày đổ máu", ông tuyên bố.
Ủy ban bầu cử sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày mai để thảo luận lại về ngày bầu cử.
Với các cuộc biểu tình đòi lật đổ chính quyền kéo dài trong suốt ba tháng qua, nhiều người dự đoán quân đội có thể tổ chức cuộc đảo chính, can dự vào chính trường, giống như 18 lần trước trong lịch sử 80 năm của Thái Lan. Tuy nhiên, Chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang Thái, ông Thanasak Patimapakorn, từ chối trả lời về việc có nên hoãn bầu cử hay không.
"Ủy ban Bầu cử và chính phủ sẽ gặp để thảo luận việc này vào ngày mai. Quân đội chúng tôi không thể cung cấp gì nhiều hơn nữa", ông nói.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, quân đội luôn đứng ngoài cuộc khủng hoảng và từ chối can thiệp vào tình hình.
Ủy ban Bầu cử cho biết cuộc biểu tình nhiều tháng qua khiến tình hình đất nước không đủ ổn định để tổ chức bỏ phiếu vào ngày 2/2. Một thủ lĩnh biểu tình bị bắn chết hôm qua trên đường phố Bangkok và 10 người khác đã thiệt mạng từ khi phong trào biểu tình nổ ra từ tháng 11 năm ngoái.
Trong các phát biểu mới nhất, cả phía chính phủ lẫn người biểu tình đều không hề có dấu hiệu nhượng bộ.
"Chúng tôi buộc phải tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 2/2. Việc trì hoãn sẽ là vô ích và để cho các tổ chức độc lập có thêm thời gian tấn công chính phủ", Bộ trưởng Nội vụ Thái Lan, cũng là người đứng đầu đảng Pheu Thai của bà Yingluck, phát biểu.
Tuần trước, chính phủ Thái Lan ban bố tình trạng khẩn cấp để lực lượng cảnh sát có nhiều quyền hành hơn trước những người biểu tình. Tuy nhiên, cho đến nay các hoạt động chống biểu tình không đạt hiệu quả và tuần hành vẫn tiếp tục khắp thủ đô Thái Lan. Hôm qua, người biểu tình đóng cửa hầu hết các điểm bỏ phiếu sớm ở Bangkok cũng như trên cả nước, khiến phần đông trong số 2,16 triệu người đăng ký bầu cử sớm không thể bỏ phiếu.
Lãnh đạo người biểu tình, Suthep Thaugsuban, tuyên bố không chấp nhận cuộc bầu cử. Ông kêu gọi quân đội "bảo vệ những người vô tội đang phải chiến đấu bằng tay không". Trong bài phát biểu hôm nay, ông này nói phong trào "đóng cửa Bangkok" của ông sẽ không chấp thuận các yêu cầu của chính phủ về việc rút khỏi trụ sở của các bộ mà họ đã chiếm được.
Đây là các diễn biến mới nhất trong cuộc xung đột kéo dài suốt 8 năm qua giữa tầng lớp trung lưu cùng phe bảo hoàng tại Bangkok, đối lập với những người nghèo ở vùng nông thôn.
Những người nghèo ở nông thôn ủng hộ thủ tướng Yingluck Shinawatra và anh trai bà, cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người bị lật đổ năm 2006. Trong khi đó, những người biểu tình cáo buộc gia đình Shinawatra tham nhũng và đòi hỏi thành lập "hội đồng nhân dân" không qua bầu cử để điều hành đất nước.
Vũ Hà