Các nhóm thuốc tại những gói thầu được xây dựng chặt chẽ, minh bạch và yêu cầu cao hơn nhằm lựa chọn được các thuốc chất lượng, giá cả phù hợp, theo thông tư 15 vừa được Bộ Y tế ban hành. Theo đó, thuốc sản xuất tại Việt Nam có thể tham dự tất cả các nhóm nếu đáp ứng tiêu chí kỹ thuật, tranh thầu cùng thuốc của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật... Việc phân chia nhóm thuốc để khuyến khích gia công, chuyển giao công nghệ các thuốc nước ngoài sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là các thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh, vắcxin, sinh phẩm.
Bộ Y tế cũng bổ sung quy định khuyến khích đầu tư, nâng cao chất lượng thuốc cổ truyền, vị thuốc cổ truyền, dược liệu thông qua tiêu chí kỹ thuật GACP, tiêu chuẩn GMP. Trường hợp vị thuốc cổ truyền, dược liệu chưa đáp ứng tiêu chuẩn GACP thì có thể chọn thuốc nhóm khác để đảm bảo nhu cầu điều trị.
Các bệnh viện tăng mức sử dụng thuốc nội địa bình quân 36% tổng giá trị thuốc năm 2018, có tỉnh tỷ lệ này đến 87%. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Trung ương 71 Thanh Hóa, Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, Bệnh viện Phong da liễu Trung ương Quy Hòa... sử dụng 30-52% là thuốc sản xuất trong nước.
Theo Cục trưởng Quản lý Dược Vũ Tuấn Cường, thuốc nội địa đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân, 12/13 loại vắcxin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được bào chế trong nước. Hiện, cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 11 nhà máy đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của WHO. Có 652 loại thuốc đã được chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.
Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 22% ở tuyến trung ương, 50% tuyến tỉnh và 75% tuyến huyện.