Sáng 9/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về đề xuất của Chính phủ, chuyển 3 trong số 8 dự án cao tốc Bắc Nam từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
3 dự án điều chỉnh đầu tư gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; 5 dự án còn lại tiếp tục triển khai theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, bao gồm 78.461 tỷ đồng ngân sách, còn lại huy động ngoài ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu băn khoăn "không biết nhà nước sẽ lấy vốn ở đâu để đầu tư, bởi số tiền không hề nhỏ; tại sao trước đây Chính phủ xin cơ chế xã hội hóa, giờ lại xin đầu tư bằng vốn ngân sách?".
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để chuyển đầu tư công 3 dự án như đề xuất trên, cần khoản vốn hơn 78.000 tỷ đồng. Hiện nay trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã có 55.000 tỷ đồng, còn lại gần 23.000 tỷ đồng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục bố trí.
Theo ông Thể, nhiệm kỳ vừa qua, nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải là 235.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, "nếu kinh tế kém hơn thì Bộ vẫn được bố trí khoảng 200.000 tỷ đồng".
"Thủ tướng chỉ đạo nhiệm kỳ tới ưu tiên số một là bố trí 23.000 tỷ đồng cho cao tốc Bắc Nam. Giả sử vốn đầu tư công bố trí cho ngành giao thông giảm xuống, chúng tôi vẫn phải ưu tiên vốn cho cao tốc để hoàn thành toàn bộ dự án", ông Thể nói và cho biết Bộ Giao thông Vận tải dự kiến xây dựng phương án bán vé để thu hồi tiền đầu tư cao tốc cho ngân sách.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, từ đầu nhiệm kỳ, Bộ này đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho các chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm 55.000 tỷ đồng dành cho cao tốc Bắc Nam.
"Tiền không phải là vấn đề, có thể giải ngân 55.000 tỷ đồng và sang năm tiếp tục bố trí vốn, làm được ngay. Chính phủ đã bàn nhiều lần, chỉ cần Quốc hội cho phép là tháng 8 khởi công và cuối 2021 xong ba tuyến cao tốc này", ông Dũng cho hay.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói, ông mong muốn Nhà nước tập trung nguồn lực không chỉ ba dự án cao tốc mà với tất cả các dự án còn lại. "Huy động ngân sách không phải là vấn đề lớn, miễn là ý chí Quốc hội quyết tâm và giám sát thực hiện, làm sao 2025 xong nốt 700 km cao tốc còn lại".
Theo ông Dũng, cao tốc Bắc Nam cần nhanh chóng triển khai vì tình hình cấp bách của nền kinh tế, kích cầu đầu tư và đón đầu xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư mới, bù đắp ảnh hưởng Covid-19. "Với 5 dự án cao tốc chưa điều chỉnh hình thức đầu tư, tôi kiến nghị cho phép đấu thầu tiếp, khi không đấu thầu được thì chuyển luôn sang dự án đầu tư công", ông Dũng nói.
Ông Phan Việt Cường - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, bày tỏ lo ngại chất lượng công trình cao tốc. Ông nói, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã xảy ra nhiều sai phạm, đến mức phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC bị bắt. "Tôi đề nghị Chính phủ cho biết đầu tư công cao tốc Bắc Nam có xảy ra sự cố tương tự không?", ông Cường nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lý giải sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là vấn đề của "giai đoạn trước". Vừa qua, nhiều lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng như cán bộ cấp phòng, cấp vụ bị kỷ luật, trong đó có người bị cách hết mọi chức vụ..., nên cán bộ ngành giao thông đã xem đó là bài học xương máu.
"Với trách nhiệm của mình, tôi xin cam kết cố gắng tối đa, làm tốt nhất có thể, không cơ quan nào dám làm sai quy định khi thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam", ông Thể nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nói các dự án cao tốc đi qua nhiều tuyến đường địa chất khác nhau như sườn đồi, đồng bằng, đầm lầy, sông suối... Mỗi khu vực phải có phương án thi công khác nhau nên vẫn có khả năng rủi ro. Trong điều kiện như vậy, "muốn đường chuẩn như mặt bàn, khối thép, khối bê tông là rất khó khăn".
Theo ông, Chính phủ đã thành lập tổ gồm 26 thành viên của nhiều bộ ngành, kể cả cơ quan pháp luật để giám sát các dự án. "Chúng tôi làm đúng trình tự, quy định của pháp luật. Thủ tướng nói đây là dự án trọng điểm quốc gia nên chúng tôi chuẩn bị tinh thần để tất cả cơ quan pháp luật vào cuộc kiểm tra kỹ lưỡng", ông Thể nhấn mạnh.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án được Quốc hội quyết định triển khai theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
8 dự án gồm các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Chính phủ, đến nay thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án cao tốc đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng tại các tỉnh đạt trên 70% khối lượng. Các dự án nếu được chuyển đổi sang đầu tư công thì có thể khởi công trong năm 2020 và hoàn thành năm 2022. Nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về huy động vốn tín dụng.
Hoàng Thuỳ - Anh Minh - Viết Tuân