Người tàn tật cần được ưu tiên đặc biệt khi tham gia giao thông. |
Ông Bùi Văn Toàn, Giám đốc Tổ chức trợ giúp người tàn tật Việt Nam, cho biết, nước ta có 9,1 triệu người tàn tật, trong đó có hơn 2 triệu người sống trong diện nghèo (thu nhập 1 dưới USD/ngày). Phần lớn đối tượng này vẫn phải nhờ sự trợ giúp của người thân, một số người có thể tự mình tham gia giao thông trên xe lăn song rất khá nguy hiểm. Họ rất cần được hoà nhập cộng đồng, được đi trên các phương tiện có tính năng phù hợp.
Theo ông Đỗ Xuân Hoa, Phó phòng Vận tải - Cục Đường bộ Việt Nam, xe buýt mới được tổ chức ở một số thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng... song thường xuyên trong tình trạng quá tải, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ngoài ra, phương tiện này đều không phù hợp cho người tàn tật sử dụng như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để lên xe...
Theo ông Hoa, nếu sàn xe buýt thấp bằng mặt đường, người khuyết tật có thể lên được xe, các hành khách khác cũng lên xuống dễ dàng hơn. Các tay vịn trên xe buýt, tàu hoả được sơn màu vàng, đặc biệt có lợi cho hành khách bị khiếm thị, cũng có lợi cho mọi hành khách khác muốn nhanh chóng tìm được chỗ để bám tay khi lên ôtô hoặc tàu hoả. Tương tự, nếu phân chia các làn đường trên phố với các đường dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy, đều mang lại sự an toàn hơn cho người tham gia giao thông, cũng hỗ trợ tốt cho khách bộ hành là người tàn tật.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Đường bộ Việt Nam, nhận xét, hệ thống giao thông công cộng phù hợp với người tàn tật đã triển khai rộng rãi trên nhiều nước phát triển, song đối với Việt Nam thì là một khái niệm mới và chưa được các cơ quan chức năng quan tâm.
Theo ông Thanh, khi ban hành các quy định về vận tải công cộng, cơ quan chức năng nên đưa người tàn tật vào nhóm đối tượng cần phải phục vụ và quan tâm của hệ thống giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng đường xá nên có phần đường dành cho người đi bộ và những điểm trung chuyển hoặc bến đỗ có khả năng tiếp cận. Đây cũng là thời điểm thay thế hoặc cải tạo xe buýt, toa tàu hoả, taxi, xe khách, xích lô có động cơ và các phương tiện khác để giảm ô nhiễm, nâng chất lượng dịch vụ đông đảo hành khách.
Thời gian tới, Cục Đường bộ sẽ dự thảo quy định về tổ chức vận tải khách công cộng bằng xe buýt tại các thành phố để đảm bảo cho người tàn tật tiếp cận sử dụng.
Đoàn Loan