Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tiêm mũi thứ 4 vaccine Covid-19.
Trả lời VnExpress sáng 17/3, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã nhận được chỉ đạo và đang làm các thủ tục về vấn đề chuyên môn. Hai tuần trước, Bộ Y tế họp chuyên gia về "sự cần thiết của tiêm vaccine mũi 4", tham vấn WHO, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Mỹ. "Cơ bản các chuyên gia đồng thuận và Bộ sẽ triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đối tượng tiêm sẽ ưu tiên bảo vệ sớm nhóm có nguy cơ và sau đó tiêm đại trà", ông Sơn cho hay.
Về việc chưa cần tiêm đại trà, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết các nhà khoa học trên thế giới hiện nay khuyến cáo tiêm vaccine mũi 4 cho nhóm người nguy cơ cao, ví dụ nhóm suy giảm miễn dịch, có bệnh nền, vì đây là nhóm dễ trở nặng, nguy cơ tử vong cao khi mắc Covid-19. Những nhóm còn lại đã được bảo vệ ở mũi tiêm thứ 3.
"Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho rằng nên tiêm mũi 4, 5 bằng một loại vaccine mới, có thể phòng được các biến chủng của virus trong tương lai. Như vậy, mũi tiêm thứ 4 mới có giá trị và tránh sự tốn kém, lãng phí vaccine không cần thiết", ông Thái nói.
Kể cả nhóm nguy cơ cao đã tiêm mũi 3 song có thể miễn dịch vẫn không đủ, cần tiêm bổ sung, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nói và thêm rằng mũi 4 cho nhóm này nên tiêm cách mũi 3 ít nhất ba tháng để đảm bảo tạo miễn dịch.
Dù vậy, thầy thuốc nhân dân Phạm Sĩ Tuấn cho rằng: "Không thể phủ nhận lợi ích của vaccine là giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong, song việc tiêm đại trà mũi 4 cần thận trọng, bởi cuộc chiến còn dài". Nhiều người (không thuộc nhóm nguy cơ) đã tiêm ba mũi vaccine vẫn mắc Covid-19, có người nhiễm đến lần thứ hai. Khi đã nhiễm, cơ thể họ có kháng thể tự nhiên, giống như một liều vaccine tự nhiên, vì vậy chưa nên vội vàng tiêm mũi 4.
Một số nước châu Âu đã tiêm liều thứ 4 cho người dân, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia châu Á chờ đợi dữ liệu về tính cần thiết và hiệu quả của chương trình này. Theo Nature, ngày 27/12/2021, Israel là nước đầu tiên tiêm liều thứ 4. Đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế, người già và người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao nhiễm virus.
Kế hoạch này ban đầu làm dấy lên cuộc tranh cãi. Một số chuyên gia lo ngại tiêm quá nhiều mũi vaccine sẽ phản tác dụng, khiến hệ miễn dịch mệt mỏi, ảnh hưởng tới khả năng chống lại virus. Dù vậy, đến nay, Israel đánh giá chiến lược tiêm liều 4 từ sớm là đúng đắn. Israel từng đi đầu thế giới về chương trình tiêm chủng hai mũi đầu tiên, song chậm ở mũi ba nên tháng 8/2021 số ca nhiễm tăng cao kỷ lục. Israel rút kinh nghiệm từ mũi ba, quyết định tiêm sớm liều thứ 4 vào tháng 12/2021, đúng thời điểm hiệu quả vaccine mũi 3 giảm (ước tính hiệu quả mũi tăng cường là 4 tháng). Từ cuối năm 2021 đến nay, số ca nhiễm tại Israel không tăng cao. Hiện 66,4% dân số Israel đã tiêm hai liều vaccine, 56,4% tiêm thêm liều thứ ba, hơn 250.000 người tiêm liều thứ 4.
Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đang xem xét cấp phép liều vaccine Covid-19 thứ 4, dự kiến vào mùa thu năm nay. Kế hoạch vẫn đang xây dựng ở giai đoạn đầu. Quá trình cấp phép sẽ phụ thuộc vào nghiên cứu đang diễn ra. Các nhà khoa học cần xác định liều thứ 4 có nâng cao khả năng bảo vệ người dùng, giảm nguy cơ chuyển nặng và nghiêm trọng sau mắc Covid-19 hay không.
Theo Latimes, nghiên cứu đăng tải trên trang web khoa học medRxiv ngày 15/2, liều thứ 4 vaccine Covid-19 có thể khôi phục kháng thể ở mức quan sát được, nhưng không đáng kể. "Liều thứ ba thực sự quan trọng. Nhưng liều 4 sẽ không tác dụng nhiều lắm với người trẻ, khỏe mạnh và không có nguy cơ cao nhiễm nCoV", bà Gili Regev-Yochay, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Ramat Gan, đồng tác giả nghiên cứu, nói.
Theo bà, liều 4 có lợi cho người dễ chuyển nặng và tử vong vì Covid-19. Cuối năm 2021, Regev-Yochay và các đồng nghiệp đã thử nghiệm tiêm liều vaccine mRNA thứ 4 cho 274 nhân viên y tế ít nhất 4 tháng sau liều ba. Kết quả, liều thứ 4 nâng cao mức kháng thể trung hòa ở các tình nguyện viên, có thể ngăn chặn virus lây nhiễm tế bào. Tuy nhiên mức kháng thể không tăng vọt như liều thứ ba, cho thấy vaccine đã đạt đến giới hạn. "Bạn không thể tiếp tục thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi mãi", bà nói.
Bên cạnh đó, liều thứ 4 được cho là kém hiệu quả với chủng Omicron. Theo nghiên cứu lâm sàng của Israel, tình nguyện viên vẫn có "tải lượng virus tương đối cao" sau khi nhiễm biến chủng này. Điều này cho thấy liều thứ 4 không làm giảm khả năng truyền virus của F0 cho người khác.
Thúy Quỳnh - Chi Lê - Thục Linh