Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu như trên tại cuộc họp về phòng, chống Covid-19 của Bộ Chính trị, sáng 20/3. Tham dự phiên họp có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân...
Bộ Chính trị đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch, tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và đã điều trị thành công cho 16 bệnh nhân.
Các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, sản xuất được các bộ kít xét nghiệm nCoV, được công nhận và đưa vào sử dụng.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý "tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn" với những kết quả đạt được thời gian qua.
Ông yêu cầu trước mắt "cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất".
Tổng bí thư, Chủ tịch nêu rõ tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng, chống Covid-19 và không được "hốt hoảng, sợ hãi đến mức không dám làm gì". Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện.
Theo ông, năm 2020 này, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng như: Năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...
Bởi vậy, Việt Nam cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài; tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị; mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm...
Tổng bí thư, Chủ tịch nước thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp, cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với kinh tế-xã hội; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch.
"Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, sản xuất kinh doanh", ông nói.
Việt Nam đến nay ghi nhận 85 ca nhiễm, trong đó 17 ca khỏi bệnh, 68 người đang điều trị. Sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có hai ca trên 60 tuổi trong tình trạng nặng. Các ca nhiễm phát hiện gần đây đều là người về từ nước ngoài, chủ yếu châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan trong nước.