Thẻ ngân hàng đầu tiên được biết đến là chiếc thẻ rút tiền mặt (thẻ ATM), được ra đời vào năm 1969 với chức năng giúp bạn rút tiền từ tài khoản cá nhân. Thay vì trước kia bạn phải đến ngân hàng, xếp hàng chờ gặp giao dịch viên để làm thủ tục rút tiền thì giờ đây bạn chỉ cần đến máy ATM của ngân hàng mình, hoặc các ngân hàng liên kết trong hệ thống, đút thẻ vào máy, nhập mã số bảo mật PIN, cho máy biết bạn cần rút bao nhiêu là tiền sẽ được "chìa" ra cho bạn. Bạn có thể rút tiền mặt vào lúc 3h sáng mà chẳng làm phiền đến ai, giao dịch vừa an toàn, lại vừa nhanh chóng.
Từ chiếc thẻ ATM, ngân hàng phát hành thêm chiếc thẻ ghi nợ hay còn gọi là thẻ thanh toán (debit card), để bạn thực hiện việc thanh toán hàng hoá và dịch vụ. Vẫn tích hợp đầy đủ các tiện ích của thẻ ATM như: rút tiền, kiểm tra số dư, chuyển khoản..., chiếc thẻ thanh toán này còn dùng để mua hàng hoá tại siêu thị hoặc trả hoá đơn bữa ăn tại nhà hàng. Nếu bạn ở nhà mà vẫn muốn thực hiện giao dịch thanh toán trực tuyến như: đặt mua vé máy bay, mua hàng trên eBay..., thẻ thanh toán sẽ là một trợ thủ đắc lực.
Dựa trên tài khoản cá nhân và nhu cầu sử dụng của bạn, ngân hàng sẽ cấp thẻ thanh toán nội địa hay thẻ thanh toán quốc tế. Hai thẻ này đều có thể sử dụng để rút tiền mặt, thanh toán hàng hoá và dịch vụ chỉ khác nhau ở phạm vi sử dụng. Thẻ thanh toán nội địa được sử dụng tại Việt Nam, trong khi thẻ thanh toán quốc tế có thể rút tiền mặt và thanh toán trên toàn thế giới do có liên minh với các tổ chức thanh toán thẻ quốc tế như: Visa, Mastercard, American Express, JCB hay Dinner Club… Điểm nhận biết thẻ thanh toán quốc tế là biểu tượng của tổ chức thẻ như Visa, Mastercard… được đặt trên mặt trước của thẻ.
Khi sử dụng thẻ, bạn cũng không nên lo lắng rằng mình sẽ không kiểm soát được việc chi tiêu. Ngân hàng cấp cho bạn hạn mức rút tiền mặt, chuyển khoản và hạn mức "quẹt" thẻ tối đa có thể sử dụng trong một ngày. Ví dụ, mỗi ngày bạn được ngân hàng cho phép rút 30 triệu đồng tiền mặt và thanh toán tối đa 30 triệu đồng, có nghĩa là tổng hạn mức thẻ tối đa bạn có thể tiêu trong một ngày là 60 triệu đồng, miễn sao tài khoản của bạn còn đủ tiền. Tất nhiên, hạn mức đó được chia làm nhiều lần giao dịch trong ngày, ví dụ như: mỗi lần rút tiền bạn được nhận 5 triệu đồng, hoặc mỗi lần thanh toán thì được "quẹt" tối đa 15 triệu đồng.
Với hình thức "Có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu", mỗi lần rút tiền hoặc thanh toán giao dịch, tài khoản ngân hàng của bạn được trừ ngay và bạn không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào. Chính vì vậy, bạn nên chủ động tiền trong tài khoản, nếu không giao dịch sẽ không được thực hiện.
Một số người cảm thấy an toàn hơn khi "đồng tiền đi liền khúc ruột" và xem thẻ ngân hàng như trò chơi tiền giả. Ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Nếu đánh rơi tiền, bạn không còn cơ may tìm lại. Còn nếu thẻ bị máy ATM nuốt, đánh rơi hoặc kẻ gian ăn cắp, tiền của bạn sẽ không suy suyển nếu bạn nhanh chóng thông báo với ngân hàng để họ khóa thẻ, ngừng các giao dịch phát sinh khi bị kẻ gian lợi dụng.
Một số ngân hàng cung cấp thêm dịch vụ bảo hiểm rút tiền, mà theo đó khi giao dịch tại bất kỳ máy ATM và bị cướp giật trong một khoảng thời gian ngắn kể từ thời điểm rút tiền, bạn sẽ được bồi thường số tiền đã rút và các chi phí cấp cứu hợp lý trong vụ tấn công tại máy ATM. Bạn chỉ cần gọi điện thoại thông báo ngay sự việc cho công an tại địa bàn xảy ra vụ việc và ngân hàng phát hành thẻ.
Đồng thời, khi sử dụng thẻ thanh toán, bạn được hưởng rất nhiều ưu đãi và giảm giá đặc biệt cho chủ thẻ tại các điểm mua sắm và giải trí. Còn gì hấp dẫn hơn khi vừa bạn tung tăng mua sắm khi không cần mang nhiều tiền, mà còn được giảm 5% hay 10% giá trị giao dịch khi dùng thẻ.
Lời khuyên khi sử dụng thẻ thanh toán
Để giao dịch luôn thành công, bạn cần chọn dịch vụ thẻ của các ngân hàng có uy tín, có mạng lưới giao dịch cao để tránh trường hợp không thể "quẹt" thẻ, hoặc rút tiền mặt do gặp sự cố. Khi máy ATM bị lỗi, nuốt thẻ hoặc không đưa tiền... bạn nên gọi ngay đến số điện thoại hotline của ngân hàng phát hành để thông báo sự cố và được giải quyết.
Bạn cần hiểu rõ nhu cầu của bản thân để đăng ký loại thẻ thanh toán nội địa hay quốc tế phù hợp, nhằm tránh trường hợp không thể thực hiện giao dịch rút tiền hay thanh toán khi đang công tác hoặc du lịch tại nước ngoài.
Bạn nên giữ hoá đơn mua hàng sau mỗi lần giao dịch bằng thẻ thanh toán để đối chiếu với bảng sao kê hàng tháng. Ngoài ra, bạn cần bảo mật số PIN của mình, không nên đặt PIN theo ngày sinh, số điện thoại… để người khác có thể đoán biết. Khi bị mất thẻ, bạn nên báo ngay với ngân hàng phát hành để hạn chế rủi ro người khác lợi dụng rút tiền và bạn có cơ hội làm thẻ mới một cách nhanh chóng.
Độc giả quan tâm, gửi câu hỏi về thuongmai@vnexpress.net.
1. Thi viết comment: Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra hai comment hay nhất để dự thi tháng; mỗi tháng sẽ có một giải thưởng cho comment hay nhất trị giá hai triệu đồng. Chương trình diễn ra 5 tháng. Tổng giải thưởng là 10 triệu đồng. 2. Giải thưởng câu hỏi hay: Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra hai câu hỏi hay nhất để dự thi tháng; mỗi tháng sẽ có một giải thưởng cho câu hỏi hay nhất trị giá hai triệu đồng. Chương trình diễn ra 5 tháng. Tổng giải thưởng là 10 triệu đồng. 3. Cuộc thi "Trò chơi tỷ phú" dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10/6 đến 10/7, với hình thức thi thi trắc nghiệm dưới dạng hỏi đáp và sẽ có 100 câu hỏi, đáp án. Tham gia cuộc thi, độc giả cần điền thông tin: Họ tên, CMND, e-mail, điện thoại, địa chỉ, giới tính, ngày tháng năm sinh. Ngoài ra, độc giả tham gia sẽ được trả lời 20 câu hỏi (được random trong 100 câu hỏi) trong thời gian 5 phút (có hiển thị đồng hồ thời gian). Sau khi độc giả trả lời xong 20 câu hỏi sẽ có thông báo điểm thưởng (một câu trả lời đúng có được 100 điểm thưởng). Mỗi độc giả chỉ được tham gia một lần. Tổng giá trị giải thưởng:20 triệu đồng. Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 độc giả có số điểm cao nhất. Một điểm tương đương số tiền là 1.000 đồng. Hết một tháng diễn ra chương trình, độc giả vẫn có thể tham gia trò chơi (11/7 - 15/9), nhưng không có giải thưởng. Sau khi trả lời xong sẽ hiện ra đáp án. Độc giả có thể tham gia nhiều lần. |
Chương trình được tư vấn bởi Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam)