Ngữ văn 6 mới có nhiều thay đổi từ mục tiêu, nội dung đến phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá, đòi hỏi cả người dạy lẫn người học cần chủ động và sáng tạo.
Từ năm học 2021-2022, học sinh lớp 6 sẽ học chương trình Ngữ văn 6 mới. Chương trình này xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành, đồng thời tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về khoa học giáo dục. Dù triển khai từ năm 2018, giáo viên đã có điều kiện tập huấn trong khoảng hai năm, song càng gần ngày áp dụng, người dạy và người học càng cần chuẩn bị tâm thế tốt nhất, nhằm đón nhận những cơ hội chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới mang lại.
Giáo viên dạy chủ động, sáng tạo
Theo chị Nguyễn Thị Nga, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI, chương trình mới nói chung và Ngữ văn 6 nói riêng xây dựng theo hướng mở, nội dung dạy không còn "đóng khung", quy định cụ thể văn bản văn học dạy trong từng lớp. Do đó, đội ngũ giáo viên có thể chủ động lựa chọn các ngữ liệu phù hợp và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học; đồng thời, đặt ra vấn đề thực tiễn, phù hợp với tình hình lớp học, địa phương để bài giảng trở nên sinh động, hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Nga, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: HOCMAI.
Trước yêu cầu mới, cô Nga cùng với các giáo viên tại HOCMAI đã chủ động xây dựng kho ngữ liệu, bao gồm những ngữ liệu mới mẻ từ cuộc sống đời thường để bài học trở nên gần gũi với học sinh hơn. Các hoạt động dạy học đều hướng tới việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học thay vì đơn thuần là bình giảng một chiều
Với chương trình Ngữ văn mới, học sinh được hình thành và phát triển cách đọc, viết, nói và nghe các kiểu loại văn bản ngay từ lớp 6, đòi hỏi giáo viên phải bao quát hơn, linh hoạt hơn trong phương pháp dạy nhằm hỗ trợ các em toàn diện 4 kỹ năng này. Theo đó, các kiến thức văn học hay các ngữ liệu được tích hợp trong các hoạt động đọc, viết, nói, nghe và phục vụ trực tiếp cho việc rèn luyện kỹ năng hiệu quả.
"Điều này đòi hỏi đội ngũ giáo viên cần thay đổi phương pháp truyền tải kiến thức, hướng dẫn học sinh khai mở kiến thức, tư duy nhiều hơn thay vì đưa ra đáp án, kiến thức có sẵn", nữ giáo viên nhấn mạnh.
Trong chương trình Học tốt 6 môn Ngữ Văn của HOCMAI, khi giảng dạy bài 3, Hồi kí và kí, phần thực hành Tiếng Việt về từ đa nghĩa, từ mượn và từ đồng âm, giáo viên sẽ bắt đầu bài học bằng những câu đố vui để dẫn dắt học sinh đến với bài học. Tiếp đó, giáo viên thiết kế trò chơi "Khám phá Tiếng Việt" với những câu hỏi ám sát bài học, gần gũi nhằm giúp học sinh ôn lại các định nghĩa tiếng Việt và những lưu ý cần thiết trước khi vào phần thực hành.
Sau đó, qua hệ thống phiếu bài tập, thầy, cô hướng dẫn gợi mở học sinh luyện tập qua các bài tập ở sách giáo khoa. Cuối cùng, phần vận dụng và mở rộng kiến thức được thiết kế với những câu hỏi ở phần "Em có biết", cùng kho từ mượn tiếng Pháp, câu ca dân gian có sử dụng từ đồng âm.
Việc kiểm tra đánh giá theo chương trình mới cũng sẽ tiến hành trong suốt quá trình học và các bài kiểm tra định kỳ. Giáo viên có thể đánh giá học sinh ở ý thức chuyên cần học bài, làm bài, qua phần trả lời câu hỏi, thuyết trình, nói trước lớp, các sản phẩm dự án hay bài kiểm tra viết phân tích, cảm thụ.
Học sinh cần chủ động học
Theo chị Nguyễn Thị Nga, trong chương trình GDPT mới, học sinh được khuyến khích trở thành những người tham gia tích cực vào quá trình học tập. Chương trình chú trọng tới việc hình thành phương pháp tự học, cách tiếp cận kiến thức và rèn luyện các kỹ năng.
Ví dụ, trong bài đọc hiểu tác phẩm Thạch Sanh, với thể loại cổ tích rất mới, các hoạt động đọc hiểu sẽ bám sát đặc trưng thể loại này, xoay quanh đặc điểm cốt truyện, nhân vật và chủ đề. Các bước khai thác kiến thức trọng tâm đều được hướng dẫn bài bản, để đảm bảo sau khi học xong bài, gặp những câu chuyện cổ tích khác nằm ngoài chương trình, học sinh có thể tự cảm thụ và phân tích các vấn đề cơ bản của những câu chuyện đó.
Bên cạnh đó, việc đưa văn bản nghị luận vào Ngữ văn 6 cũng là một điểm mới hoàn toàn so với chương trình hiện hành. Theo đó, quá trình đọc - hiểu văn bản nghị luận và tạo lập các bài văn nghị luận sẽ được tiến hành từng bước, vừa sức với nhận thức và tâm lý học sinh.
Chị Nguyễn Thị Nga khẳng định, việc này hoàn toàn phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, khi học sinh lớp 6 đang dần hình thành nhân sinh quan, phát triển cái tôi cá nhân, bước đầu có cách nhìn nhận và mong muốn thể hiện quan điểm của mình về các hiện tượng, vấn đề trong đời sống. Việc tiếp cận sớm với hình thức nghị luận sẽ giúp học sinh hình thành thói quen nghĩ và viết theo tư duy logic, có căn cứ thuyết phục trước khi kết luận về một vấn đề.
Tuy nhiên, thay đổi này cũng đòi hỏi học sinh phải theo dõi và cập nhật thêm các thông tin thời sự, tích lũy vốn kiến thức xã hội để trong quá trình học để xử lý tốt các câu hỏi mở, liên hệ và vận dụng.
Đồng thời, kỹ năng đọc hiểu trong môn Ngữ văn sẽ tạo nền tảng trong tổng thể lĩnh vực học tập, bởi việc đọc hiểu thông tin (đọc sách, đọc đề thi, đọc nhận xét...) và trình bày lại thông tin (tóm tắt lại bài, trình bày đáp án, phát biểu cảm nghĩ...) là vô cùng quan trọng. Rèn được những kỹ năng này, học sinh sẽ có khả năng nắm bắt và trình bày thông tin mạch lạc, nhanh và chính xác hơn, từ đó tự tin thể hiện bản thân và nắm bắt cơ hội tốt hơn.
Như vậy, sách giáo khoa Ngữ văn mới chú trọng vào thiết kế các hoạt động học tập lấy người học làm trung tâm, giúp hình thành kỹ năng vận dụng những điều đã học vào giải quyết tình huống thực tế.
Ngoài ra, học sinh cần nhận thức đúng vai trò và đặc thù môn học để có mục tiêu, kế hoạch học tập hợp lý, tránh lầm tưởng Ngữ văn là môn học thuộc lòng thuần túy. "Các em nên sử dụng phương pháp ghi nhớ hiệu quả như sơ đồ tư duy, ghi chú phác thảo... để việc học văn không còn nhàm chán là những gạch đầu dòng với chữ viết dày đặc", chị Nga nói thêm.
Chương trình mới cũng đã có nhiều thay đổi về hình thức kiểm tra, đánh giá với ngữ liệu trong đề hoàn toàn mới mẻ, không lấy từ các bộ sách giáo khoa nên học sinh phải thực sự hiểu bản chất vấn đề, đọc rộng, hiểu sâu, từ đó tự tin chinh phục các bài kiểm tra.
Thiên Minh