Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp bị thiệt hại do đập phá hồi tháng 5, kể cả những đơn vị đang có nợ thuế. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải được tạo thuận lợi trong thủ tục hải quan nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh, đảm bảo thời gian giao hàng theo thỏa thuận, hợp đồng đã ký với đối tác. Các cục Hải quan tỉnh, thành phố phải bố trí cán bộ làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ để làm thủ tục hải quan khi doanh nghiệp đề nghị.
Ngoài ra, Tổng cục yêu cầu các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp bị cháy, thất lạc hồ sơ, chứng từ hải quan trong việc khôi phục, chia sẻ, sao lưu dữ liệu khi có đề nghị.
Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải cử cán bộ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và cơ quan chức năng có liên quan để tìm hiểu, đánh giá mức độ thiệt hại của doanh nghiệp phục vụ xác định số tiền thuế được miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Bên cạnh đó, ngành hải quan phải hướng dẫn doanh nghiệp trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của các doanh nghiệp bị thiệt hại...
Trước đó, Thủ tướng và Bộ Tài chính đều đã có chỉ đạo về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Những công ty bị thiệt hại, số thuế được gia hạn là toàn bộ tiền thuế phát sinh đến thời điểm 30/4/2014 (chưa nộp ngân sách), nhưng số thuế được gia hạn này không vượt quá giá trị thiệt hại. Trường hợp chưa xác định được giá trị thiệt hại, sẽ căn cứ vào cam kết của doanh nghiệp. Thời gian gia hạn là 2 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế. Những hàng hoá, dịch vụ bị thiệt hại không được bồi thường bảo hiểm sẽ được khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.
Ngọc Tuyên