Từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng của cuốn sách tràn ngập tiếng cười trào lộng, tếu táo mà sâu sắc, hồn nhiên mà thâm trầm, thể hiện tư tưởng kín đáo của nhà văn.
Nội dung của cuốn tiểu thuyết bắt nguồn ngay từ nhan đề của nó Utopi một miếng để đời. Utopi gợi nhớ Utopia, tên tác phẩm của Thomas More viết năm 1516, mô tả một xã hội không có thật, từ đó Utopia có nghĩa là "không tưởng". Utopi của Vũ Bão là thủ đô của vương quốc Balôđixtan theo chế độ quân chủ lập hiến.
Thái tử Balôđixtan nhân một lần du lịch nước Nam xứ Á châu đã được thưởng thức món thịt chó tại một nhà hàng ở thôn Chè, xã Trà Thủy, huyện Sông Trà, tỉnh Trà Lý và đâm ra mê mẩn. Về nước, thái tử bèn mời anh thợ thịt chó Phạm Thế Hệ sang xứ Balôđixtan để phổ biến món ăn có một không hai này. Thế là câu chuyện bắt đầu mở ra theo bước chân và hành trình ra nước ngoài của anh thợ giết chó thôn Chè. Cách xây dựng tình huống truyện của nhà văn đã tạo ra sự một ngẫu nhiên hài hước, vừa đổi đời cho nhân vật, vừa biến cái ước mơ tưởng chừng như không tưởng về một xã hội Utopi thành điều có vẻ có thực.
![]() |
Trang bìa cuốn sách. |
Ở đây có chuyện đem cái "quốc hồn quốc túy" sang xứ người, nhưng có lẽ Vũ Bão đã gây ngạc nhiên cho không ít người đọc về món thịt chó - đặc sản xứ An Nam. Mười lăm món cầy tơ độc đáo với những mùi vị riêng biệt, đặc trưng đã làm ngây ngất không chỉ hoàng gia Balôđixtan mà cả hoàng gia Sayudi! Mỗi món được chế biến là cả một nghệ thuật "không thể gọi là nghề làm thịt chó được mà phải gọi cái nghề tầm thường – nghề làm chó là nghệ thuật chế biến thịt chó, chưa đủ, phải gọi nó là nghệ thuật chế biến thịt cầy". Thú vị nhất trong tác phẩm có lẽ phải kể đến những đoạn văn miêu tả cách chế biến mười lăm món thịt chó. Viết về món ngon dân tộc mà tha thiết, đằm thắm đến như vậy thì thật là tài hoa, đọc mỗi câu mỗi chữ mà như thấy phả cả hương thơm vào miệng vào lòng. Mỗi miếng thịt chó làm người ta ngây ngất, sung sướng từng phút một. Tưởng món thịt chó chỉ hợp khẩu vị người An Nam, hóa ra nó cũng làm cả người Tây say mê. Vì thế, anh thợ giết chó thôn Chè nghiễm nhiên trở thành thượng khách của một vương quốc, trở thành nghệ sĩ ẩm thực đáng được tôn vinh.
Từ chuyện thịt chó, Vũ Bão tự do phóng bút đến chuyện quốc gia, dân tộc. Viết về cái xứ không tưởng thì mỗi cái nhìn của nhân vật ở ngoài lại dội về những liên tưởng ở trong, và ước mong cho Utopi là hiện thực ở xứ mình. Nhà văn đã hợp lý hóa những chi tiết, những câu chuyện tưởng như ngược đời, phi lý, biến cái không thể thành cái có thể, biến ước mơ thành hiện thực – một hiện thực ngay ở trần thế!
Có chuyện xứ Balôđixtan thanh bình, thái tử không muốn làm quốc vương, họp hành ít, lễ hội không vẽ vời, cái gì lợi được cho dân thì làm cho dân, đem cho dân. Utopi là một đất nước có sự công bằng trong luật pháp, từ những chuyện nhỏ nhất cũng phải được phân xử công minh. Hoàng tử Ghita Đamua là vị quan tòa công minh, chính trực nhất. Vấn đề dân chủ ở đây cũng được Hoàng gia và chính phủ Balôđixtan đưa ra phân tích và thực hiện đến nơi đến chốn. Liệu ở đất nước nào có hiện tượng giới nhà báo được nhà nước cho phép đi ăn xin để lập ra tòa soạn mới, hiện tượng những cô gái làm tiền lập thành một nghiệp đoàn Thanh Y Hồng Đăng để biểu tình đòi được trả lương? Lại có chuyện nội bộ hoàng gia dòng họ Đamua trị vì xứ Balôđixtan với lời nguyền không được hôn nhân ngoại tộc, nếu không bỏ được lời nguyền này thì dòng họ sẽ suy tàn, vương quốc sẽ suy sụp. Có chuyện tình yêu bất ngờ giữa anh chàng Phạm Thế Hệ thôn Chè và cô công chúa Mamen Đamua xứ Balôđixtan, mặc dù nàng đã có chồng, và nàng sẽ theo chàng về Việt Nam với tư cách trông coi việc xây cất ngôi chùa ở thôn Chè - món quà của thái tử nước ngoài tặng anh thợ thịt chó...
Mạch truyện cứ thế phát triển trên cái trục chính được nhân vật "tôi" kể một cách hồn nhiên với những đoạn rẽ ngang khá hợp lý. Mỗi câu chuyện đều lấp lánh điệu cười hóm hỉnh của Vũ Bão, xâu chuỗi tất cả lại, ta được một "đời cười" bất tận. Nói chuyện một đất nước nào đó xa xôi mà như thấy những vấn đề nhạy cảm của đất nước mình ở ngay trước mắt! Ở đây lại xuất hiện khía cạnh khác của đất nước Upoti: sự phản ánh chính xứ sở quê hương anh chàng làm thịt chó. Utopi đã dịch chuyển dần, dần tương đồng với những điều chưa hoàn thiện ở đất nước xa kia. Sự khéo léo của nhà văn là đã đan cài được cái hợp lý trong những điều tưởng chừng phi lý, đã nói được những tâm tư, suy nghĩ của mình phía sau những tiếng cười bất tận. Ngôn ngữ kể chuyện và miêu tả tự nhiên về những sự việc diễn ra ở Utopi của một anh nông dân chân chất, một anh giết chó bình thường, lần đầu được ra nước ngoài, được sống trong khách sạn cao cấp, được ngồi xe sang trọng, được đối đãi ngang hàng với bậc đại sứ của chính quốc đã góp phần không nhỏ vào tiếng cười của cuốn tiểu thuyết.
Thú vị nhất là các đoạn đối thoại của nhân vật "tôi" với các nhân vật: Sayonara, Mamen Đamua, cô tiếp viên quán karaoke, ông Dolatan (chồng Mamen Đamua)... Qua mỗi câu chuyện, cái bản thể "nông nghiệp" ngô ngố đáng yêu của anh chàng giết chó làng Chè lại bộc lộ rõ hơn. Đó là sự e dè, ngượng ngùng trước nhiệt tình quá giới hạn của những cô gái xứ Balôđixtan, để rồi sau đó lại hối tiếc. Đó là sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên trước cái tổ chức chính trị - xã hội, trước quan hệ giữa người với người của đất nước Utopi, nó khác xa mà tương đồng với xứ sở mà Phạm Thế Hệ sinh ra và lớn lên. Chất humour thấm đẫm từng trang sách, từng câu chuyện nhưng đằng sau đó chất chứa một sự suy ngẫm, một sự so sánh ngầm với mong muốn về một xã hội tốt đẹp hơn. Có cả tiếng thở dài trước những ngổn ngang bề bộn chưa được dọn dẹp trên thế giới này. Tiểu thuyết khép lại trong cả sự tiếc nuối của tác giả, và độc giả cũng vương chút tiếc nuối trước những trang viết còn có phần dang dở. Tác giả đã ra đi chỉ 11 ngày sau khi đặt dấu chấm hết cho tiểu thuyết và ông không còn cơ hội để sửa sang nhiều hơn cho tác phẩm dồn nhiều tâm huyết của đời văn.
Với Utopi, nhà văn Vũ Bão đã có "một miếng để đời".
(Nguồn: Người Đại Biểu Nhân Dân)