Sáng nay, mỗi USD có thời điểm đổi được 137,28 yen - cao nhất kể từ cuối năm 1998. Đà tăng sau đó giảm dần. Hiện tại, mỗi USD tương đương 136,9 yen.
Euro cũng mất giá so với USD, hiện giảm 0,34% về 1 euro đổi 1,01 USD. Tỷ giá này đang tiến sát đáy 20 năm xác lập thứ Sáu tuần trước. Bảng Anh hôm nay có lúc mất 0,38% so với USD, còn 1 bảng đổi 1,19 USD.
"Đồng đôla Mỹ nhìn chung đang mạnh lên, nhưng tỷ giá USD-yen là biến động mạnh nhất", Rodrigo Catril – chiến lược gia tiền tệ tại National Australia Bank nhận định.
Ông cho biết việc nhà đầu tư rời bỏ tài sản rủi ro khiến USD hưởng lợi. Đồng yen đặc biệt chịu sức ép do lãi suất tại Mỹ cao và kết quả bầu cử cuối tuần trước tại Nhật Bản cho thấy khả năng chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn được duy trì.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi đó, Mỹ liên tục nâng lãi suất năm nay. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến yen gần đây yếu đi.
Bên cạnh đó, nỗi lo tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để ghìm lạm phát, cũng khiến dòng tiền chuyển hướng sang tài sản trú ẩn.
"USD có thể còn tiếp tục đắt đỏ cho đến khi rủi ro về lạm phát toàn cầu, an ninh năng lượng châu Âu và triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc hạ nhiệt", các nhà phân tích tại Barclays cho biết. Báo cáo lạm phát Mỹ tuần này cũng sẽ là căn cứ quan trọng để Fed quyết định nâng lãi 50 hay 75 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới.
Với việc lạm phát đang lan tràn trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương New Zealand và Ngân hàng Trung ương Canada tuần này được dự báo nâng lãi.
Lo ngại về năng lượng cũng đồng nghĩa đồng euro tiếp tục gặp khó. Hôm nay, Nga thông báo đóng đường ống khí đốt lớn nhất từ nước này sang Đức để bảo dưỡng thường niên. Việc này dự kiến kéo dài 10 ngày, nhưng châu Âu lo ngại có thể lâu hơn do xung đột tại Ukraine.
Tuần này, Trung Quốc cũng sẽ công bố GDP quý II. Nhà đầu tư đang theo dõi sát sao để đánh giá thiệt hại của đợt phong tỏa với nền kinh tế lớn nhì thế giới.
GDP quý II của Anh cũng sẽ được đưa ra tuần này. Tuy nhiên, thế giới chú ý hơn đến việc ai sẽ nhậm chức Thủ tướng Anh sau khi ông Boris Johnson từ chức tuần trước.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, tỷ giá ngân hàng đã tăng mạnh, dao động quanh ngưỡng 23.500 đồng; giá USD trên thị trường tự do cũng đã có lúc vượt mốc 24.000 đồng.
Hôm 7/7, một cửa hàng trên phố Hà Trung (Hà Nội) giao dịch ở mức 24.030 - 24.060 đồng mỗi USD, tăng 100 đồng chiều mua và 30 đồng chiều bán so với hôm trước đó. Một số điểm thu đổi ngoại tệ ở TP HCM thậm chí báo giá 24.050 - 24.800 đồng.
Giá USD trên thị trường chợ đen đang chênh 800-850 đồng ở chiều mua và 500-550 đồng chiều bán ra so với giá trên thị trường liên ngân hàng.
Tuy nhiên, hôm nay, giá USD đang quay đầu giảm nhẹ. Cuối ngày 11/7, mỗi USD được Vietcombank niêm yết quanh 23.210-23.490 đồng, giảm 10 đồng so với cuối tuần trước.
Hà Thu (theo Reuters)