Theo báo cáo của UPS, lĩnh vực vận chuyển và hậu cần đang ở điểm giao nhau quan trọng. Mua sắm trực tuyến có thể tăng hơn 10% mỗi năm trong ba năm tới. Đa số nhà bán lẻ trong số 500 đơn vị được khảo sát đều báo cáo khối lượng vận chuyển tăng lên trong hai năm qua, trong khi 48% trong số 1.000 người tiêu dùng được khảo sát cho biết, họ có kế hoạch tăng cường mua sắm trực tuyến vào năm 2024.
Sự gia tăng liên tục của thương mại điện tử đang thay đổi mô hình kinh doanh bán lẻ, tạo ra chuỗi cung ứng đa dạng. Đây là một hệ thống sản xuất và hậu cần, trong đó, các kênh vật lý và kỹ thuật số được tích hợp để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
UPS Capital (UPSC), bộ phận dịch vụ tài chính của UPS, cho biết, sự gia tăng này đặt ra các vấn đề về hậu cần, gồm những thách thức về tốc độ thực hiện đơn hàng (54%) và quản lý các đợt tăng đột biến trong giai đoạn cao điểm (48%).
Về công nghệ trong thương mại điện tử, 77% công ty cho biết AI đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đa dạng và hoạt động vận chuyển. Những người tham gia khảo sát cũng mong đợi các giải pháp dựa trên AI sẽ định hình lại ngành vận tải biển bằng cách: nâng cao hiệu quả (67%); giảm thiểu lỗi của con người (58%); và cải thiện quản lý hàng tồn kho (44%).
Trong tìm kiếm chuỗi cung ứng đa dạng, người dùng tập trung vào số lượng dịch vụ trả hàng thuận tiện và đáng tin cậy. Gần hai phần ba (60%) người bán được khảo sát cho biết, 1/10 đơn hàng cuối cùng đã bị trả lại. Trong khi 92% người bán tin tưởng vào dịch vụ hậu cần trả hàng của mình thì 33% bày tỏ những thách thức về quản lý hàng tồn kho trong quá trình xử lý hàng trả lại.
Theo các chuyên gia, đa số nhà bán lẻ vẫn đang tìm cách quản lý hàng tồn kho như một phương tiện để đạt được lợi thế cạnh tranh trong không gian đa kênh. Họ phải dự đoán mô hình mua hàng dựa trên dữ liệu về yếu tố hành vi bởi việc hiểu được sở thích của người mua sẽ mang lại sự hiểu biết chi tiết về sản phẩm, mức tồn kho.
Tuệ Anh (theo Supply Chain Digital)