Các nhà khoa học cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy những thuốc bổ này mang lại bất cứ lợi ích nào, và thực tế một số có thể gây hại nghiêm trọng. Nhóm nhà khoa học Phần Lan, Na Uy, Mỹ và Hàn Quốc đã tìm hiểu ảnh hưởng dài hạn của những loại thuốc bổ và khoáng chất quen thuộc (gồm đa vitamin, vitamin B, C, axit folic, sắt, magie và đồng) lên gần 39.000 phụ nữ tuổi từ 55 tới 69. Trong 18 năm, họ sẽ ghi lại bất cứ loại thuốc bổ nào được dùng thường xuyên. Nhóm thuốc bổ quen thuộc nói trên lâu nay vẫn được xem là giúp cải thiện sức khỏe dài hạn và chống lại bệnh tật. Kết quả được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine cho thấy, uống thực phẩm bổ sung vi chất đồng làm tăng nguy cơ chết sớm lên 18%. Axit folic (vẫn thường được kê cho thai phụ) làm tăng nguy cơ tử vong lên gần 6%, trong khi sắt làm tăng nguy cơ này lên 4%. Nguy cơ tử vong tăng lên 2,4% đối với thuốc bổ đa vitamin, với vitamin B6 là 4%, với magie là 3,6% và kẽm là 3%. Các nhà khoa học không thực sự hiểu rõ bằng cách nào mà thuốc bổ lại dẫn đến việc tử vong sớm hơn, song họ cho rằng có thể chúng đã can thiệp vào hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể. Theo các chuyên gia, chỉ những bệnh nhân suy dinh dưỡng mới cần uống thuốc bổ, và phải do bác sĩ kê đơn. Những người bình thường cần chỉ đảm bảo chế độ ăn cân đối là có đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết. Kết quả nghiên cứu này cũng ủng hộ một công trình nghiên cứu lớn mới đây của Đan Mạch, thực hiện tại Đại học Copenhagen năm 2008, theo đó, uống bổ sung vitamin làm tăng nguy cơ chết sớm lên 16%, Tuy vậy, phát hiện này cũng gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia. Họ khẳng định nhiều bệnh nhân uống thuốc bổ để điều trị các chứng bệnh nào đó (chẳng hạn thiếu máu) vì thế bản thân những người này cũng dễ chết hơn những người khác. Tiến sĩ Glenys Jones, từ Bộ môn nghiên cứu dinh dưỡng con người ở Cambridge cho biết: "Nghiên cứu này thú vị, nhưng nó không chỉ ra rằng việc dùng thuốc bổ là nguyên nhân khiến phụ nữ chết sớm hơn". T. An |