Sử dụng đồ uống có cồn là một trong 4 yếu tố nguy cơ chủ yếu của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường. Nó là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi 15-49 tại Việt Nam. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan liên quan đến đồ uống có cồn ở nam giới 50-69 tuổi là gần 10%, cao gấp trên 3 lần trung bình toàn cầu.
Mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn tại Việt Nam đang gia tăng một cách đáng báo động. Việt Nam đứng đầu trong khu vực ASEAN, đứng thứ ba châu Á về mức tiêu thụ rượu bia.
Thạc sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho biết, trong thập kỷ qua, mức tiêu thụ đồ uống có cồn của toàn thế giới hầu như không thay đổi thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có xu hướng tăng nhanh, gấp hơn 4 lần mức tiêu thụ trung bình toàn cầu. Mức tiêu thụ rượu và bia tăng trong thời gian tăng rất ngắn, một năm tăng trung bình 7,5%, đặc biệt là sự gia tăng về tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn ở thanh thiếu niên.
Hiện có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm không đúng bởi vì tác hại chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra. Vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu g cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng).
Câu hỏi đặt ra là ngưỡng thế nào là lạm dụng, ngưỡng an toàn. Theo thạc sĩ Hoàng Anh, trước đây có thể nói với nữ uống trung bình một cốc bia, nam giới 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy gần như uống bất kỳ ở mức nào cũng có thể gây hại, phụ thuộc vào thể trạng người uống. Người chưa bao giờ sử dụng thì một cốc, nửa chén cũng có thể gặp tai nạn, không làm chủ được hành vi.
Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không có một tiêu chuẩn cho mức độ tiêu thụ cồn bao nhiêu là có hại. Lý do là nguy cơ và hậu quả do sử dụng rượu bia khác nhau, phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống rượu bia khác nhau. Điều đó có nghĩa không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn. Các bằng chứng khoa học cho thấy uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe nhất định.
Theo nghiên cứu công bố trong Báo cáo về sử dụng rượu bia tại Cộng đồng Châu Âu năm 2012, nguy cơ tử vong do bệnh tật và tai nạn thương tích tăng lên đáng kể nếu một người uống nhiều hơn 2 đơn vị cồn trong một ngày và nguy cơ tử vong tăng tương quan với mức độ uống. Tháng 1 Cơ quan y tế của Anh đã ban hành khuyến nghị mới về sử dụng đồ uống có cồn thay thế cho khuyến nghị cũ được ban hành từ năm 1995. Trong đó cảnh báo việc uống rượu bia với bất kỳ mức độ nào cũng làm tăng nguy cơ gây các bệnh ung thư. Đồng thời cơ quan này cũng khuyến cáo để phòng chống tác hại do rượu bia gây ra, nam giới không nên uống quá 14 đơn vị trong một tuần.
Như vậy, việc phân loại các mức độ nguy cơ chỉ có tính chất tương đối, nhằm mục đích đưa ra các biện pháp can thiệp cộng đồng phù hợp để giảm tác hại do sử dụng rượu bia. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Theo bác sĩ Trần Quốc Bảo, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chất cồn có khả năng gây độc hại đến hầu hết các hệ cơ quan của cơ thể, làm trầm trọng thêm những tổn thương thể chất và tinh thần có sẵn, chất hướng thần gây nghiện. Chất cồn cũng gây ra các tác động ngay lập tức đến tâm trạng, chức năng vận động và quá trình tư duy.
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, rượu bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông; 30% do ung thư thực quản, gan, động kinh và giết người; 50% do xơ gan; 3,3 triệu người tử vong do liên quan đến rượu bia trên toàn thế giới.
Phương Trang