Theo đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, các loại nước ngọt sẽ được bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, gồm các loại nước ngọt có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất nước ngọt.
Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ 2 phương án thuế suất. Một là áp mức thuế 10% từ năm 2019 và hai là áp thuế 20% từ năm 2019. Tuy nhiên, cơ quan này thích phương án đầu tiên hơn.
Ý tưởng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt được Bộ Tài chính đưa ra trong buổi họp báo công bố định hướng điều chỉnh một số điều của các Luật Thuế chiều 15/8. "Việc áp thuế này nhằm điều tiết tiêu dùng với đồ uống có đường và theo thông lệ quốc tế", Bộ Tài chính lý giải.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dẫn báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, việc lạm dụng nước ngọt dẫn đến béo phì. Đồng thời, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì của Việt Nam đang chiếm tới 25% dân số. Với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì cũng tăng nhanh và là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật như tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim,…
Bộ Tài chính cũng dẫn thực tế nhiều nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường. Ví dụ, tại Thái Lan, nước ngọt có ga không cồn chịu mức thuế suất 25% hoặc 0,024 USD một chai 440cc; nước ngọt có ga ở mức 20% hoặc 0,011 USD mỗi chai 440 cc. Lào hiện cũng thu thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt khoảng 5-10%. Campuchia áp thuế với nước ngọt là 10%.
Ngoài ra, theo cơ quan này, 3 nước ASEAN cũng đang xem xét áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt là Myanmar (dự kiến thu thuế 5%), Philippines (dự kiến thu 10 peso mỗi lít), Indonesia (dự kiến thu 3.000 rupiah một lít).
Tại châu Âu, mỗi lít nước ngọt ở Pháp bị áp thuế tuyệt đối 0,72 euro, ở Phần Lan thu 0,075 euro, Hungary là 0,04 euro một chai hoặc một lon nước...