Theo gia đình, bé sang nhà hàng xóm chơi thấy một chai nước giải khát để dưới gầm bàn nên đã uống hết khoảng nửa chai. Ngay sau đó, bé bị nôn, người co giật, hơi thở nồng mùi rượu, mặt đỏ. Người nhà đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hàm Yên cấp cứu, sau đó được chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang.
Trẻ hiện được điều trị an thần, truyền dịch, dùng kháng sinh, chống viêm, làm các xét nghiệm cần thiết, theo dõi sát thể trạng.
Bác sĩ khuyến cáo, rượu có thể gây suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, rối loạn thần kinh ở trẻ; uống số lượng nhiều có thể gây tử vong. Nếu trẻ uống nhầm, gia đình cần tìm cách để trẻ nôn hết và đặt bé nằm nơi thoáng mát (tránh gió lùa), trong tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái để tránh sặc chất nôn.
Bệnh viện cũng đang điều trị một bé 16 tháng tuổi uống nhầm dầu đốt đèn. Trẻ chơi trong nhà, thấy chai dầu đốt đèn để dưới gầm bàn thờ nên đã tự mở nắp và uống (không rõ số lượng). Sau đó bé ho nhiều, xuất hiện đờm dãi, da mặt tím tái, khó thở.
Bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên tận dụng các loại vỏ chai đựng nước đã dùng hết để đựng rượu, dầu đốt đèn hay hóa chất. Nhiều trường hợp trẻ uống nhầm loại nước này gây ngộ độc.
Khi phát hiện trẻ uống nhầm rượu, dầu hỏa hoặc các hóa chất khác, gia đình cần nhanh chóng đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, giải độc. Khi đi mang theo chai trẻ uống nhầm để các bác sĩ xác định được loại độc nào để có hướng xử lý kịp thời và chính xác.
Thanh Yến