Ngày 4/1, bác sĩ Nguyễn Thị Việt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, cho biết trước đó, người bệnh có uống một lít rượu trắng, đến tối thì có biểu hiện sùi bọt mép, đồng tử hai bên co, người lạnh, huyết áp tụt. Bệnh nhân không bị nghiện rượu.
Bác sĩ chỉ định rửa dạ dày, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và đặt sonde bàng quang, hỗ trợ đường thở. Tuy nhiên, "người bệnh suy hô hấp, viêm phổi nặng, phải chuyển khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo để theo dõi", bác sĩ nói.
Sau hai ngày, tri giác người bệnh đã cải thiện, tỉnh táo, sinh niệu ổn định, thoát nguy kịch.
Ngộ độc rượu có hai dạng là ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp.
Đa số trường hợp là ngộ độc ethanol, biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ là không kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững... đến ngộ độc nặng là nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, suy hô hấp...
Ngộ độc rượu methanol sẽ có mức độ trầm trọng hơn, nguy cơ tử vong. Methanol là dung môi được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp như pha sơn, lau kính xe, chất chống đóng băng cho ống dẫn xăng dầu, mực máy in.
Các chuyên gia khuyến cáo nam không nên uống quá hai đơn vị cồn một ngày, nữ không quá một đơn vị cồn một ngày và không uống quá 5 ngày một tuần. Một đơn vị cồn tương đương 10 g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống, tức khoảng 3/4 chai hay lon bia 330 ml (5%) hoặc một cốc bia hơi 330 ml hay một ly rượu vang 100 ml (13,5%) hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).
Thùy An