Một người chuyển giới khác chia sẻ tại hội thảo "Khát vọng được là chính mình" diễn ra ở Hà Nội hôm 29/8: "Em muốn được phẫu thuật để sống một giờ thôi em cũng chịu, chỉ cần chết trong thân xác một người phụ nữ".
Hội thảo "Khát vọng được là chính mình" do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức, đề cập đến một nhóm người thiểu số hiện nay trong xã hội - những người chuyển giới.
Người chuyển giới là một khái niệm còn khá mới mẻ ở Việt Nam và không phải ai cũng phân biệt rõ. Đây là nhóm người chịu nhiều sự kỳ thị, phân biệt đối xử, bị bạo lực bằng ánh mắt, lời nói và cả hành động từ cộng đồng người dị tính và cả những người đồng tính. Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về họ.
Anh Lương Thế Huy - cán bộ ICS cho biết: "Người chuyển giới (trong tiếng Anh là "transgender") là những người có cảm nhận về giới tính mong muốn của mình không trùng với giới tính sinh học đang có. Ví dụ một người có cơ thể sinh ra với sinh học là nam/nữ nhưng họ nghĩ/biết mình là nữ/nam".
Do đó, người chuyển giới khác người đồng tính vì khi nói về người chuyển giới là nói về bản dạng giới của người đó (tức cảm nhận bên trong của mỗi người về việc họ là nam/nữ hay một giới nào khác), còn nói về người đồng tính, song tính là nói về xu hướng tính dục của họ (tức là sự hấp dẫn có tính bền vững về tình cảm, tình dục hướng tới người khác).
Ngọc Ly - 21 tuổi, một người chuyển giới thích biểu hiện thành con gái nhưng không muốn thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Trước khi được sống là chính mình như hôm nay, Ngọc Ly đã phải chịu rất nhiều sự phân biệt, kỳ thị. Ảnh: Phan Dương. |
Viện iSEE đã thực hiện một nghiên cứu từ tháng 6 đến tháng 7, khảo sát 34 người chuyển giới (14 người là nam sang nữ, 10 người là nữ sang nam và 10 trẻ em đường phố chuyển giới). Nghiên cứu cho thấy người đồng tính ở Việt Nam chưa có một sân chơi riêng. Họ chủ yếu tham gia vào các diễn đàn của người đồng tính, các nhóm biểu diễn. Đây là nhóm người thiểu số chịu kỳ thị lớn từ nhiều phía.
Câu chuyện chàng trai tâm sự "đầu con trai, thân hình con gái" với bố nêu trên là một ví dụ. "Em buồn vì cái đầu là nơi lưu giữ tất cả kỷ niệm về gia đình, bạn bè, là cái làm nên con người mình chứ không phải cái thân. Thế mà bố lại muốn chỉnh, như vậy bố sẵn sàng mất đứa con của mình", người chuyển giới từ nữ sang nam, ở TP HCM, chia sẻ.
Không chỉ trong gia đình, người chuyển giới bị phân biệt đối xử rất tệ bạc ngay trong môi trường giáo dục. Ngọc Ly - người chuyển giới từ nam sang nữ, ở Hà Nội, mang đến hội thảo một câu chuyện vô cùng đau xót về tuổi thơ của mình.
"Năm lớp 10, khi giới tính của em bị lộ, em đã phải chịu rất nhiều kỳ thị trong trường học. Các bài kiểm tra của em đều bị xé bỏ, giẫm đạp. Lần nào ra chơi em cũng bị hất nước, xé sách. Từ 5 đến 7 bạn xông vào đánh hội đồng em. Em nhờ cô giáo nhưng cô không nói gì. Em chán quá nên bỏ học".
Khi bỏ học được một tuần, nhà trường mời bố mẹ Ly lên trường. Biết chuyện của Ngọc Ly, bố mẹ càng đánh mắng, xúc phạm nhiều hơn. "Bố chửi em là biến thái, không giống người. Lúc ấy em chỉ nói: 'Cả thế giới này có thể nói con bệnh hoạn, biến thái nhưng xin bố mẹ đừng coi con như vậy", Ly không kìm được nước mắt trong hội thảo.
Còn một người chuyển giới từ nam sang nữ, 19 tuổi, TP HCM, chia sẻ."Ức nhất là bị người ta gọi là 'bóng chó'. Mình đã mang dòng máu như vậy là không ai muốn. Mình đã mặc cảm với người đời. Tại sao họ lại nói như vậy".
Ngoài bị phân biệt đối xử, người chuyển giới còn gặp nhiều khó khăn trong cơ hội việc làm, gặp nhiều rủi ro về sức khỏe và hôn nhân.
"Một ngày với người chuyển giới là ngày ngủ, đêm ra đường tìm bạn, phải chấp nhận sống bằng các nghề mại dâm, hát đám ma... nhưng vẫn bị khinh miệt vì không có ai muốn thuê họ làm việc. Do bị kỳ thị từ nhỏ, phải bỏ học nên ít người chuyển giới nào có trình độ", TS Phạm Quỳnh Phương - đại diện nhóm nghiên cứu nói.
TS Phương cũng chia sẻ rằng người chuyển giới còn gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý. Vì thế họ càng khó khăn để xin việc, nâng cao trình độ hay thừa nhận bản thân mình. Trong khi tất cả giấy tờ của họ đều ghi là nam/nữ nhưng họ lại biểu hiện thành nữ hoặc nam. Họ mong muốn được pháp luật thừa nhận.
Ông Trần Thất - đại diện Vụ Hành Chính - Bộ Tư pháp cho rằng: "Chúng ta đặt ra vấn đề về cộng đồng LGBT (les-gay-song tính-chuyển giới) đúng vào thời điểm pháp luật chuẩn bị sửa đổi, cơ hội đang hiển hiện ngay trước mắt".
Đại diện Vụ Hành chính - Bộ Tư pháp khẳng định để tránh sự phân biệt đối xử với người chuyển giới cần 'trả lại tên cho em' - xác định lại giới tính cho họ. Ảnh: Phan Dương. |
"Trong hiến pháp quy định các quyền cơ bản của công dân. Có lẽ khi bàn đến vấn đề sửa đổi hiến pháp cũng phải đặt cụ thể quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới như thế nào", ông Trần Thất nói.
"Luật Dân sự đang trong quá trình xem xét để sửa đổi. Tại kỳ họp sắp tới của quốc hội cũng sẽ thảo luận vấn đề đăng ký hộ tịch (mà liên quan đến vấn đề này có giấy khai sinh) và tháng 5 năm sau quốc hội sẽ thông qua luật. Nếu chúng ta không kiến nghị vấn đề này thì dễ 10 năm, 20 năm nữa nó mới được bàn lại", đại diện Vụ Hành chính - Bộ Tư pháp khẳng định.
Ông Nguyễn Hồng Hải, đại diện Bộ Tư pháp phát biểu lo ngại những tiêu cực xảy ra khi các vấn đề của cộng đồng LGBT được công nhận. Ảnh: Phan Dương. |
Về phía Bộ Tư pháp, vị đại diện chia sẻ, người làm luật không dùng những từ như số lượng, đa số thiểu số, số ít... khi nói về cộng đồng LGBT mà xem họ là những người yếu thế. "Và khi làm luật, chúng tôi đứng từ phía người yếu thế, tuyệt đối không được phân biệt, đối xử trong làm luật", đại diện Ban soạn thảo Bộ Tư pháp nói.
Vị này cũng nói tôn vinh quyền lợi của người đồng tính, song tính và chuyển giới đáng được hưởng là không gì có thể thay đổi được. Nhưng xã hội cần một con đường dài, rất cần các cơ quan tổ chức, phương tiện truyền thông giúp đỡ.
"Tôi tha thiết mong muốn các tổ chức quốc tế đồng hành cùng. Giả sử khi chúng tôi thừa nhận quyền của cộng đồng LGBT thì các vị có giải pháp nào để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực ngược lại xã hội từ việc công nhận hôn nhân đồng tính hay thừa nhận giới tính của người chuyển giới. Tôi nghĩ vấn đề thừa nhận này không khó ở Việt Nam vì là một nước nhân văn", đại diện Bộ Tư pháp khẳng định.
Bà Thủy - Vụ pháp chế, Bộ Y tế cũng hoàn toàn ủng hộ cộng đồng LGBT về mặt chính sách. Vị này chia sẻ rằng mới đây, Vụ pháp chế có nhận được đơn kiến nghị của anh Ngô Văn Huy - Sở Y tế Thừa Thiên - Huế. Anh này thực hiện chuyển đổi giới tính ở Thái Lan. Anh kiến nghị xin được xác định lại giới tính. Tuy nhiên, cần phải có một chứng nhận của một bệnh viện ở Việt Nam về việc người đó đã chuyển đổi giới tính thì mới được phép xác định lại giới tính.
"Ở Việt Nam chưa có một bệnh viện nào làm việc này. Chúng tôi đang tham mưu lên Bộ Y tế kiến nghị cho phép một bệnh viện nào đó có đủ cơ sở để xác định lại giới tính cho người đã thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính", bà Thủy - Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nói.
Phan Dương