Đó là những ngày thật sự vất vả. Nhưng với trí khôn của cậu trai mới 15 tuổi thì việc làm ra tiền bằng sức lao động của mình là một trải nghiệm thú vị.
Khi học hết cấp hai, tôi khăn gói theo chị lên Sài Gòn làm gia công cho một người hàng xóm cũ dưới quê. Từ 6h đến 22h, ngày nào cũng như ngày nào, không có ngày nghỉ, không có ngày lễ hay Tết, tôi làm bạn với một góc nhà và chiếc máy may quen thuộc của mình. Nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình, tôi yên phận với công việc hiện tại, hầu như chỉ ra ngoài khi dự lễ ngày chủ nhật và những khi… cúp điện. Công việc vất vả là vậy nhưng khát vọng về những con chữ chẳng bao giờ tắt trong tôi.
Khi tôi đã là một thợ may lành nghề sau 4 năm ở Sài Gòn thì có lệnh gọi nhập ngũ. Kỷ luật quân đội, 2,5 tháng tân binh và cả những tháng rèn sức khỏe cùng ý chí, tôi đã thực sự trưởng thành. Ra thực binh, tôi may mắn quen với người phụ trách thư viện của đơn vị. Đối với tôi, thư viện là cả một kho tàng vô giá, tôi mượn sách và đọc ngấu nghiến những cuốn sách mượn được. Cứ có thời gian rảnh là tôi cầm cuốn sách. Có lần tôi phải làm kiểm điểm khi thủ trưởng bắt gặp sử dụng đèn pin của đơn vị đọc sách trong ca gác của mình. Cũng từ đó, niềm đam mê văn chương nhen nhóm trong tôi.
18 tháng như giấc ngủ trưa. Bỏ lại sau lưng cái nắng thao trường bỏng gắt, những những giờ phút tập luyện miệt mài và vòng tay đồng đội, tôi rời đơn vị trở về với cuộc sống thường ngày. Tôi cầm số tiền trợ cấp ít ỏi trên tay và nghĩ ngay đến việc quay lại ghế nhà trường. Vừa học vừa làm, tôi xin được chỗ người quen một chân phụ hồ. Và thế là từ thứ hai đến thứ sáu tôi đi làm. Thứ bảy, chủ nhật cuối tuần tôi lại đến trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện để học văn hóa. Khi trung tâm chuyển sang học suốt tuần, tôi nghỉ phụ hồ và xin làm phục vụ trong một quán cà phê vào buổi tối. Hè đến, tôi lại đi làm thời vụ trong một công ty giầy da. Tôi phải chuyển trường đến mấy lần trong hai năm 10 và 11. Đến năm 12, tôi xin được vào làm lực lượng thường trực ở Ban chỉ huy quân sự xã. Được chỉ huy tạo điều kiện, tôi yên tâm học hành nhưng vẫn không hài lòng vì chương trình đào tạo hệ giáo dục thường xuyên không thỏa mãn được đam mê trong tôi.
Tốt nghiệp phổ thông, tôi lên lại thành phố để theo đuổi ước mơ của mình. Trong một năm luyện thi, tôi xin vào ở trong một lưu xá sinh viên. Mọi chi phí sinh hoạt lúc này đều trông chờ vào gánh rau của mẹ. Các cha, thầy, sơ cưu mang giúp đỡ tôi trong việc ăn ở và học tập. Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi đã với tay hái được trái ngọt do công sức mình gieo trồng. Theo đúng nguyện vọng, tôi trúng tuyển vào ngành Văn học trường Đại học Sư Phạm TP HCM.
26 tuổi, tôi thênh thang bước đi trên con đường mới. Cánh cửa tri thức chẳng bao giờ đóng với những người quyết tâm muốn mở nó ra. Sau những gì đã trải qua, tôi không sợ khi phải đương đầu với bất kỳ khó khăn nào. Tôi chỉ nhói lòng khi nghĩ về gánh rau trong buổi chợ sáng, đôi vai mẹ ngày càng gầy hơn.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Phạm Long Huy