Với ông Khoánh - 51 tuổi, ông ngoại của tụi nhỏ - gầm giường vừa để tránh nắng vừa để tránh mưa. Hàng ngày, cứ khoảng hơn bảy giờ tối, ông Khoánh thổi tắt ngọn đèn dầu rồi cùng hai đứa trẻ bò vào gầm giường đi ngủ trong tiếng tivi nhà hàng xóm.
Cu Hào kể, hồi xưa nó chưa biết nằm gầm giường. Những ngày mưa, căn nhà rách quá nên dột khắp nơi, cả nhà đành ngồi ôm gối dưới đất. Hai năm trước, một lần gió lớn, hai tấm tôn to bay sạt ngang, xém chút nữa cắt vào người ông ngoại nó. Sau lần ấy, ông Khoánh nghĩ ra cách chui xuống ngủ ở gầm giường "vì nó đỡ cho mình". Nhà không có điện, hai đứa trẻ còn phát hiện ra trời nắng nằm gầm giường rất mát.
Hào và An ở cùng bà Tư 81 tuổi - cụ ngoại, ông bà ngoại, người cậu Kim Văn Bửu 25 tuổi. Sáu người sống trong ngôi nhà mái và tường gá lại bởi những tấm tôn đã thủng lỗ chỗ bên dòng Kinh Mới - Thơm Rơm, ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Mang tiếng "dân thành phố" nhưng nhà gia đình này xưa nay chỉ thắp đèn dầu. Ông Khoánh giải thích: "Họ bảo nếu muốn vô điện thì phải nộp ba triệu. Tui không có tiền nên thôi".
Thằng cu An thích nhất các buổi trưa nóng như rang, ông ngoại không đi làm mướn nên nó sẽ được ôm ông ngoại ngủ. Một buổi chiều tám năm trước, nó được ông Khoánh phát hiện đang nằm trên võng trước cửa. Mẹ nó bế tới đây, bỏ lại rồi đi biệt tích. Lúc đó, thằng bé An mới một tháng tuổi, bị vết phỏng ở bụng bởi cha mẹ nó cãi lộn, người cha đổ nước sôi vô bụng thằng nhỏ.
Mẹ thằng An, đứa con gái đầu của ông bà, đi làm thuê từ mười mấy tuổi. Cả nhà không hay cô sống ở đâu, với ai, nghe nói có hai đứa con. Cu An bị rục trước cửa nhà ông bà, cu Hào đẻ xong đưa cho bà dì nuôi "từ khi mới nở". Cả hai thằng không đứa nào được bú sữa mẹ. Ông Khoánh đoán cha mẹ nó bỏ con cho mình nuôi dăm bữa nửa tháng, nào ngờ chờ hoài cho tới tận bây giờ.
Có thêm thằng An, vợ ông Khoánh đi bán rau, làm mướn, ông đạp xe lôi. Tiền công mỗi ngày khi ba chục, khi năm chục, ông mua sữa đặc có đường về pha cho thằng An uống. Nhưng rồi ông bà cũng không đủ tiền đành nuôi nó bằng nước cơm pha đường. Khi thằng An được hai tháng, họ xay bột gạo cho nó ăn. Lâu lâu thằng An khụt khịt, sốt, vài lần phải nằm viện, ông ráng chạy xe đêm lấy thêm tiền nuôi cháu. Một lần ông bị té, đập đầu xuống đường nên bây giờ nếu ai mà hỏi gì nhiều nhiều là trí óc ông "hết biết gì luôn".
Cu An chưa bao giờ thấy mặt cha mẹ. Thằng cu Hào may mắn hơn. Nó nhớ "mẹ con hơi xấp xấp, tóc đen" vì có lần nó đi chơi với bạn, ngang quán cà phê ở Long Xuyên thấy có người "giống với mặt mẹ". "Dì có phải mẹ con không?", nó chạy lại hỏi. "Ờ". "Sao mày gặp tao mà mày không nhớ hả?", người phụ nữ lấy tay cốc vào đầu nó. "Mẹ ơi về nhà chơi với con", nó bảo. "Bây giờ mẹ phải đi nữa, mẹ để máy (điện thoại) lại cho con chơi nha", cô gái trả lời. Hào hỏi: "Có phải mẹ đi Trung Quốc không?", người phụ nữ không nói gì. "Mà mày đi học về không làm bài là tao uýnh mày luôn đó", cô nói. Nhưng đến bây giờ, 12 tuổi, thằng Hào muốn mẹ nó uýnh cũng chẳng được.
Hào và An lớn lên với ông bà ngoại và cậu. Cả hai đứa đều chưa biết chữ. Với nó, ông bà ngoại chính là cha, là mẹ. Mỗi lần ông nó đi chăn vịt về, đau người, rên la, nó lại đấm bóp cho ông. "Ngoại đừng có chết nha. Ngoại ráng sống để nuôi con nghe. Con lớn lên con nuôi lại ông ngoại nha", Hào thủ thỉ.
Mỗi lần như thế, khóe mắt và khuôn mặt đen đúa của ông Khoánh lại nhòe nhoẹt ướt. "Tôi chỉ vái trời vái đất cho họ gọi tôi đi giữ vịt, có sức khỏe để đi làm, nuôi cháu". Ông bà không sợ bệnh, không sợ nghèo, đi giữ vịt mướn cũng đủ cho cháu ăn, chỉ ước có công việc để trả nợ cho chủ vịt và sau này có tiền để cho hai đứa cháu đi học. Từ đầu năm tới giờ, ông đã vay chủ vịt 2,5 triệu đồng để đưa hai thằng bé đi chữa bệnh và mua thức ăn, nay vẫn chưa trả nổi.
"Buồn lo nhất là mấy thằng cháu nó không có tương lai thôi chứ tôi không sợ gì", ông thở dài.
Thằng Hào thích ăn mì tôm nhất nhưng hiếm khi được thỏa mãn. Hàng ngày nó ăn cơm với muối. Sáng, ông ngoại nấu một nồi cơm bằng gạo từ thiện. Tám giờ, năm người quây quanh nồi cơm với lọ muối ớt. Nếu khô quá, bọn nhỏ chan nước vào làm canh. Nửa nồi cơm còn lại để cho bữa chiều, lúc bốn, năm giờ. Tối cả nhà nhịn, đi ngủ lúc bảy giờ.
Ngày nào hết gạo, ông bà của hai đứa trẻ đi mượn tạm quanh xóm giềng. Có những ngày không mượn được, ông Khoánh nấu cháo trắng, ăn với muối. "Ở đây có nhà cho heo ăn còn có gạo, nhà tôi người cũng không có gạo", ông Khoánh kể. Nhưng cháo trắng còn ngon hơn cháo chuối, món "đặc sản" của riêng nhà ông. Ông chặt buồng chuối xanh sau nhà, lấy muỗng nạo ra, nấu thành cháo ăn trừ cơm, "có kỳ ăn cháo chuối liên tục ba tháng ròng".
Chị Hai Quẵng, 36 tuổi, một người dân ấp Thạnh Trung cho bảo: "Hai vợ chồng sức khỏe yếu, không làm ra tiền lại còn nuôi thêm hai đứa cháu ngoại nên cực lắm, hai đứa nhỏ thiếu thốn nên cũng ốm nhom". Ông Ba Lý, 55 tuổi, chủ tiệm tạp hóa cách nhà ông Khoánh khoảng 500m cho biết thêm, vợ chồng ông Khoánh tuy cực khổ, những sống rất đang hoàng nên bà con ở đây ai cũng mến. Hơn một tháng trước, trong lúc đi chăn vịt, ông Khoánh bị đụng xe, gãy chân có đi bệnh viện nhưng giờ thì ở nhà, chân còn đau, sưng và đi cà nhắc nên không đi làm được.
Ba người lớn đi làm "được nhiêu tiền thì mua thức ăn, dầu đốt đèn với nuôi hai đứa nhỏ hết". Năm rồi ông Khoánh dư ra mấy trăm nghìn đồng cho hai thằng đi học được mấy tháng, mỗi tuần đóng 100 nghìn đồng một đứa. Năm ngoái ông đã dắt hai đứa tới trường tiểu học chỉ cách nhà vài trăm mét xin cho hai đứa nhỏ đi học nhưng họ bảo đóng mỗi đứa 800 nghìn đồng. "Nếu các anh thương tôi để cho cháu tôi vô học, không thì thôi tôi cho cháu tôi về", ông nói rồi dắt hai đứa nhỏ về. Người ta kêu ông phải làm giấy tờ đi xin các nơi, nhưng ông không biết chữ nên đành thôi.
Vợ chồng ông Khoánh mong ngóng tới "tháng nước" - nước về đồng, người ta kêu đi giữ vịt để kiếm tiền sửa nhà hết dột và cho hai cháu đi học. Thằng cu An thích ra trường tiểu học chơi lắm, nhưng nó hay bị mấy đứa trẻ ở trường uýnh vì "hai đứa này nghèo khổ". Nó muốn đến trường để biết đọc truyện, biết viết chữ, ông bà ngoại kêu đọc cái gì thì nó còn đọc cho ông bà nghe. Sau này nó còn "đi mần ở công ty, kiếm tiền để nuôi ông ngoại".
Với thằng Hào, "trường đẹp và vui hết cỡ luôn", có các bạn chơi cá sấu trên bờ, chơi trốn tìm, mèo đuổi chuột, học chữ và học toán. Sau này, nó nhất định phải đi học, rồi "đi mần công ty để ông ngoại không phải đi giữ dzịt cả ngày".
Anh Võ Văn Tấn - Bí thư Đoàn xã Trung Hưng cho biết, hộ gia đình nhà ông Khoánh từ nhiều năm nay nằm trong danh sách "cận nghèo", mỗi tháng đều được hỗ trợ theo tiêu chuẩn nhưng gia đình không có ruộng đất và cũng không có nghề nghiệp ổn định nên thu nhập rất thất thường. Ngôi nhà mà gia đình ông Khoánh đang ở cũng là "nhà tình thương" do chính quyền hỗ trợ từ hơn chục năm trước, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nhiều. "Hai đứa nhỏ bị mẹ bỏ lại cho ông bà, không có giấy tờ gì. Hàng năm, xã đều đến vận động ông bà làm lại giấy tờ để cho hai đứa nhỏ đi học và miễn học phí nhưng kinh tế gia đình không lo nổi các khoản khác nên đến nay tụi nhỏ vẫn thất học".
Hồng Phúc - Phan Diệp