Mang trên mình khuyết tật từ căn bệnh liệt nửa người, mồ côi mẹ, bố bệnh tật, hoàn cảnh gia đình Thúy rất khó khăn nhưng em luôn cố gắng vươn lên trong học tập.

Đỗ Kim Thúy là người con thứ hai trong gia đình, trên Thúy còn có một anh trai, ngay từ nhỏ em đã bị mắc căn bệnh liệt nửa người. Bố mẹ rất thương em, đã đưa đi chữa trị ở rất nhiều nơi, ra Bắc vào Nam gặp đủ các thầy thuốc Đông Tây y nhưng bệnh tình không biến chuyển. Di chứng của căn bệnh đã khiến một nửa trái cơ thể bị biến dạng, tay và chân trái rất yếu, bị khoèo, quặp vào trong, 5 ngón tay dường như không cử động được. Mọi hoạt động, di chuyển đều khó khăn.
Số phận thật trớ trêu, năm Thúy 17 tuổi căn bệnh viêm đa khớp dạng thấp đã cướp đi người mẹ yêu thương của em. Ngày trước, mẹ là một nửa bên trái của em, giờ đây mẹ qua đời, mọi hoạt động trong sinh hoạt, em đều phải tự thân vận động. Thiếu bàn tay người phụ nữ trong nhà nên mọi việc lớn bé cơm, áo, gạo, tiền đều đè nên vai người cha Đỗ Mạnh Bảng. Thời gian đó, ông làm bảo vệ cho một công ty tư nhân, đến năm 2010, phát hiện mình mắc căn bệnh tim to - giãn buồng tim. Lo nghĩ về bệnh tật, con cái, gia đình khiến ông mất ăn mất ngủ, thân hình to cao cường tráng ngày nào giờ trở nên suy nhược tiều tụy, hốc hác, sức khỏe ngày một yếu đi.
Mỗi bữa ăn, ông chỉ gượng ăn một hai bát cơm để uống thuốc. Những công việc nặng, ông hoàn toàn không thể làm được. Những ngày trái gió trở trời, ông chỉ nằm trên giường. Tất cả số tiền trang trải trong gia đình hiện nay chỉ trông chờ vào đồng lương lái xe của người anh trai và số tiền trợ cấp ít ỏi 525.000 đồng của Thúy.
Trước đây, với mong muốn tìm lại niềm tin, sức sống cho con mình, để con được đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa, ông Bảng đã đưa Thúy đến những trung tâm giành cho trẻ khuyết tật để sinh hoat, học tập. Tuy nhiên, phương pháp giảng dạy tại đó không có tác dụng đối với em. Thời gian đó, gia đình Thúy hoàn toàn tuyệt vọng vì đã tìm đủ mọi cách để con mình hòa nhập với cộng đồng nhưng đều thất bại. Trong cái rủi lại có cái may khi em gặp được bà giáo Nam, thời điểm đó bà Nam mới bắt đầu mở lớp học tình thương này và đi vận động các gia đình có con em là trẻ khuyết tật đến lớp học.
Thúy đã vượt qua mọi khó khăn vất vả hàng tuần 6 buổi học, dù nắng hay mưa đều có mặt đầy đủ. Thời gian đầu do chưa quen nên việc đến lớp còn nhiều khó khăn, cánh tay khoèo ôm lấy chiếc cặp sách, đôi chân bên thấp bên cao tập tễnh bước đi trên con đường từ nhà sang trường khoảng hơn hai cây số. Vốn Thúy đã chậm hơn các bạn cùng tuổi nên việc tiếp cận với con số con chữ là rất khó khăn. Trước tiên bà Nam dạy chữ cho Thúy, bà kèm cặp rất sát sao và tỉ mỉ, bà viết mẫu các chữ cái vào vở rồi em tập tô dần để nhận biết mặt chữ. Sau đó, bà dạy em cách ghép các chữ cái thành vần, thành tiếng rồi dạy cách đọc cách phát âm. Sau khi em đã biết đọc, biết viết rồi, bà tiếp tục dạy cách nhận mặt các chữ số, cách tính toán cộng trừ nhân chia.
Đầu tiên, em được học các bảng cộng trừ, rồi chuyển sang học bảng nhân chia theo mức độ tăng dần, nhân từ dễ đến khó, bảng nhân dễ nhất là bảng nhân 2, nhân 3 rồi cứ tăng dần cho đến bảng 9. Bà Nam chia sẻ: “Cháu Thúy bị liệt nhưng đầu óc vẫn còn biết tự chủ, cháu biết làm gì để có cách học tốt nhất. Có lần tôi có nặng lời với cháu, cháu khóc và bỏ về, sau đó tôi đã phải đến nhà vận động và giải thích cho cháu hiểu, hôm sau lại đến lớp học bình thường”.
Thúy đã nỗ lực hết mình trong 16 năm qua, ở trên lớp, em cố gắng luyện viết những bài mà bà giao cho một cách kiên trì, nên giờ đây chữ của em rất đep. Còn với cách tính toán, em chia sẻ: “Lúc đầu em học các phép cộng trừ còn sai lia lịa, nhưng em đã cố gắng hiểu và làm thật tốt các phép tính đó. Sau khi học xong phép tính cộng, bà dạy em những phép nhân chia theo cấp độ khó dần lên em cũng cố gắng vượt qua được”. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, Thúy đã gắn bó với lớp học này 16 năm rồi. Hiện trình độ học tập của em đã đạt đến hết cấp tiểu học, đọc thông viết thạo, tính toán các phép tính rất nhanh, thuộc lòng bảng cửu chương. Thậm chí, nét chữ của em còn được đánh giá là đẹp hơn rất nhiều so với người bình thường.
Hiện Thúy có thể tự xem TV, vào Internet để đọc tin tức, cuộc sống trở nên tươi sáng, vui vẻ hơn với em. Để Thúy có được ngày hôm nay là một sự nỗ lực cố gắng hết mình của cả hai thầy trò. Thấy con mình hoàn toàn có thể tự lập như bây giờ, ông Bảng rất vui. Đây chính là nguồn động lực giúp ông vượt qua ốm đau bênh tật.
Gặp Thúy trong căn nhà nhỏ ở số 7 ngõ 114 phố Yên Phụ, tôi có hỏi em một câu về ước mơ của em trong tương lai là làm công việc gì? Cô bé vui vẻ đáp lời: "Em có ước mơ nhỏ nhoi lắm anh ạ, em muốn làm nghề kinh doanh buôn bán giống như mẹ em trước đây. Với tinh thần tàn nhưng không phế và với khả năng hiện tại của mình, em sẽ quyết tâm học tập, rèn luyện thêm nữa để ước mơ của mình sớm sẽ thành hiện thực".
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Hải Anh