Lúc mới chào đời, trông Vân bình thường như bao trẻ khác. Nhưng chỉ vài năm sau, khi nghe tiếng khóc đau đớn của em khi nằm lệch người, cha mẹ Vân hiểu rằng đã có chuyện xảy ra với con họ. Kết luận của bác sĩ khiến hai người lao động nghèo rụng rời chân tay: Vân bị mắc bệnh xương thủy tinh. Những năm tháng sau đó là bao vất vả khó khăn đối với gia đình Vân. Cô bé gần như phải sống trong bệnh viện vì những lần gãy xương liên miên.
Hết đợt ốm này lại đến lần bó bột khác, tưởng như Vân không thể đi học được. Nhưng không, em vẫn đến trường trong vòng tay của mẹ, của bà. Cả nhà không nghĩ em thích đi học và quyết tâm đến thế: "Con thích đi học giống như các bạn, mẹ bế con đi học đi", câu nói mà Vân nhắc đi nhắc lại suốt mấy tháng trời đã làm gia đình và cả khu phố cảm động.
Thế là cô bé xương thủy tinh đã đi học. Bạn bè thấy một cô bé nhỏ xíu học cùng lớp thì không khỏi ngạc nhiên. Các bạn đều thông cảm nhưng đâu đó một số lời trêu chọc cất lên làm Vân buồn tủi. Không vì thế mà bỏ cuộc, Vân đã hòa nhập với các bạn rất nhanh. Dù hay bị ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện nhưng em học rất giỏi và sống chan hòa với bạn bè, năm nào em cũng đạt học sinh tiên tiến. Danh hiệu đó đối với các bạn khác là bình thường, nhưng đối với Vân, để tiếp thu một tiết học, để viết được một trang vở, để làm một bài tập là một việc vô cùng khó khăn.
Mỗi ngày đến trường là một lần thử thách đối với Vân. Không đi lại được nên bà hay mẹ phải bế em từ nhà đến trường. Vào lớp rồi, em phải ngồi xuống ghế thật nhẹ, cử động rón rén đôi tay để lấy sách vở và viết vì chỉ cần một cử động mạnh cũng có thể làm xương của em bị gãy thêm lần nữa. Ra chơi, em ngồi một chỗ để ôn bài với cơ thể đau nhức, không thể ra ngoài sân vui đùa với các bạn. Mỗi tiết học kết thúc là cả người Vân cứng đờ giống như một con búp bê bằng gỗ. Buồn lắm nhưng em không than thân trách phận mà lúc nào em cũng cười tươi.
Không đi chơi được thì kể chuyện cười. Vân kể chuyện có duyên lắm, ai nghe cũng phải cười. Bây giờ thì cứ giờ ra chơi, nhiều bạn lại đến cạnh Vân trò chuyện. Rồi Vân vẽ. Đầu tiên vẽ ngôi nhà, cái cây. Sau đó vẽ cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Tay bị tật, mỗi lần cầm bút vẽ là em phải bặm môi nhúc nhích những ngón tay cong queo để điều khiển chúng theo ý mình. Mỗi khi Vân vẽ xong một bức tranh, ai cũng khen đẹp, đẹp hơn cả tranh của những bạn bình thường.
Đến bây giờ, cuộc sống của Vân vẫn vậy. Chỉ nằm một chỗ, thỉnh thoảng em cố gắng ngồi dậy một lúc để học bài. Em ăn uống được rất ít, đến bữa em chỉ cố gắng ăn cùng với gia đình cho vui còn em chỉ ăn uống qua loa, vì "cái miệng nó không muốn ăn, cái bụng nó đâu muốn tiêu hóa". Vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ. "Chỉ ngồi dậy thôi mà cả cơ thể đau đớn tưởng như bị hàng nghìn mũi kim xuyên qua từng khúc xương, từng thớ thịt". Mặc kệ, em vẫn đi học, vẫn viết văn, vẫn vẽ, vẫn làm thơ để rồi trở thành con ngoan trò giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Học giỏi là thế, nhưng Vân rất biết mình biết người, em biết căn bệnh của mình không thể chữa khỏi nên em chẳng mong ước điều viển vông là được chạy, được bay nhảy như các bạn. Em chỉ mong sau này trở thành nhà văn để viết những bài văn hay, và hơn hết, nó phù hợp với thể trạng của em: "Em nghĩ đây là công việc phù hợp với bản thân mình. Dù ở nhà em cũng có thể viết văn để phụ giúp bố mẹ được". Đó là việc của tương lai, mặc dù mọi người đều tin là em sẽ làm được.
Tuy nhiên, trước mắt, em chỉ ước có một chiếc máy tính để học, để viết cho tiện hơn. Đối với cha mẹ em, đó là một điều ước cũng viển vông không kém gì việc em ước trở thành nhà văn. Kinh tế gia đình em kiệt quệ quá rồi vì không chỉ có Vân mà cả đứa em trai cũng mắc phải căn bệnh xương thủy tinh quái ác. Vẫn biết đó chỉ là mơ ước nhưng em vẫn ước mơ, biết đâu một bà tiên hay ông bụt nào đó sẽ hiện ra biến điều ước của em thành hiện thực.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow "Vì bạn xứng đáng" phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Đinh Thành Trung