Chín năm trước, một sáng chị Phạm Thị Chênh, thôn Hạ Tập, xã Thụy Bình, Thái Thụy phát hiện ngay trước cửa nhà có một đứa bé mồ côi bị bỏ rơi. Người phụ nữ lấy chồng tám năm chưa có con xin phép chính quyền ẵm bé gái về nuôi, đặt tên là Hồng Phúc, với ước mong cuộc đời con gặp nhiều phước lành. Đứa trẻ đón về không bao lâu thì chị Chênh ly hôn, ôm con về sống một mình. Người mẹ dồn tình yêu thương cho đứa trẻ nhặt được. Nhưng khi Hồng Phúc lên ba, biết bập bẹ gọi mẹ, chị Chênh bệnh nặng qua đời.
"Lúc dì ấy mất, chúng tôi tìm thấy một lá thư dặn gia đình cố nuôi bé Phúc, đừng cho con đi", bà Nguyễn Thị Chếch, 60 tuổi, chị gái người phụ nữ xấu số, kể. Trong đám tang, đứa trẻ ba tuổi chít khăn trắng khiến nhiều người rơi nước mắt. Nghĩ đến lá thư con để lại, mẹ chị Chênh, khi đó 84 tuổi, đón cháu ngoại về nuôi trong căn nhà ngói đã nhuốm màu nâu sậm.
Một trưa mùa hè năm 2018, khi đang chơi ngoài sân nhà bác Chếch, Hồng Phúc nhận tin bà ngoại qua đời. Hai chân nó run bần bật, nước mắt giàn hàng. "Lúc đó cháu buồn vì mất bà và sợ không ai nuôi cháu", Phúc nhớ lại.
Bác Chếch lại gói ghém đồ đạc cho Phúc, đón đứa trẻ về nuôi. "Nhà tôi cháu chắt đầy đàn, kinh tế chẳng dư dả gì, nhưng chồng tôi cũng mồ côi từ năm hai tuổi nên thương con bé. Thôi thì có rau ăn rau, cháo ăn cháo", người phụ nữ nói.
Ở tuổi lên 9, Phúc đã biết phụ bác quét sân, tưới cây trong vườn, nhưng không thể hình dung nếu có mẹ sẽ như thế nào. Mấy hôm trước, bà Chếch kiểm tra vở của Phúc, thấy cháu làm bài văn tả mình mà nghẹn lời. "Cô giáo bảo cháu làm bài văn miêu tả bố hoặc mẹ mình. Nhưng cháu xin cô cho cháu tả bác", con bé giải thích.
Từ ngày đón cháu về nuôi, vợ chồng bà và các con luôn vỗ về, chăm lo cho Phúc vì biết cháu thiệt thòi. Mua cái áo cho cháu nội, cháu ngoại, bà Chếch không bao giờ để thiếu phần cháu nuôi. Nhưng bà biết, dẫu săn sóc, khoảng trống trong lòng đứa trẻ mồ côi chẳng thể lấp đầy.
"Bình thường nó chơi đùa vô tư lắm. Nhưng thấy có đứa gọi bố, gọi mẹ là nó xịu xuống, ngồi thừ ra", bà kể. Hồi bà Chếch mới đón Phúc về, mấy đứa trẻ hàng xóm hay trêu bé "mày là đồ bị bỏ rơi". Thấy cháu về khóc, bà Chếch dặn: "Bạn nói thế thì con bảo 'tao ở với bác tao, sao lại nói bị bỏ rơi'". Bà đến từng nhà dặn bố mẹ đám trẻ "các anh chị về đe nẹt con đi, đừng làm tổn thương con bé".
Tối tối, bác mở sách dạy Phúc học bài. Đêm xuống, hai bác cháu ôm nhau ngủ. Nhưng Covid bùng phát, trường học đóng cửa, cô bé phải học online. Không có điện thoại thông minh, Phúc ôm cặp sách sang nhà chị họ học qua TV có kết nối Internet.
Nhà chị có hai con nhỏ phải học nên chẳng thể chia sẻ điện thoại với Phúc. Nhiều hôm đứa trẻ về kể với bác "cháu vẫn làm được bài tập và nghe cô giảng, nhưng cô gọi phát biểu thì không trả lời được". Thương Phúc, bà Chếch hứa: "Để bá lo tiền mua cho con cái điện thoại". May mắn đỉnh dịch qua, đứa trẻ được cắp sách đến trường.
Ông Phạm Trung Thung, trưởng thôn Hạ Tập cho biết, hoàn cảnh của bé Phúc là độc nhất vô nhị ở thôn. Những năm qua, thôn luôn ưu tiên bé khi có đợt giúp đỡ, hỗ trợ từ các tổ chức hay đơn vị.
Ông trưởng thôn cho biết thêm, trước đây, cuộc sống gia đình bà Chếch không đến mức quá khó khăn, nhưng hai năm nay, chồng bà nhiều trận ốm thập tử nhất sinh. Hiện tại, ông bị thiếu máu lên não. tắc nghẽn tim mạch, phải mua bình oxy về nhà thở. Các con bà Chếch đã trưởng thành, nhưng cuộc sống không mấy khấm khá nên không phụ giúp được bố mẹ nhiều.
Năm nay, chương trình "Mặt trời hy vọng", tiền thân là "Ông mặt trời", quỹ Hy vọng - báo VnExpress và trường ĐH Ngoại thương phát động phát động cuộc thi vẽ tranh dành cho trẻ yếu thế, dự kiến sẽ triển lãm vào tháng 6. Phạm Hồng Phúc là một trong những em nhỏ gửi tranh đến ban tổ chức. Bức vẽ của Phúc có tựa đề: "Mong ước sinh nhật sum vầy". Trong bức vẽ, một gia đình nhỏ có bố mẹ, những đứa con và bạn bè đang tươi cười, đứng vòng quanh chiếc bánh sinh nhật.
"Ước mơ của con là có một sinh nhật thật đông vui. Ở đó con có bố mẹ và bạn bè", Phúc giải thích với cô giáo dạy vẽ Phan Thị Kim Thùy, chủ nhiệm CLB Mỹ thuật ở Thái Bình. "Khi nghe con nói về ý nghĩa của bức vẽ, tôi vừa thấy đau, vừa thương con. Một đứa bé còn quá nhỏ nhưng mất mát trải qua bằng cả đời người", cô Kim Thùy nói.
Cô giáo cho biết, thế giới trẻ thơ sinh động và rộng lớn. Khi cô ra đề bài vẽ về ước mơ, có bạn thể hiện ước muốn chiến tranh kết thúc bằng bức vẽ chim bồ câu, có bạn muốn chấm dứt thảm họa ô nhiễm môi trường bằng bức tranh thiên nhiên nổi giận. Còn tranh của Phúc phần nhiều là sự xuất hiện của một gia đình, thứ mà với các bạn cùng trang lứa là hiển nhiên, nhưng em không có được.
Phạm Nga
Chương trình Mặt trời Hy Vọng (kết hợp thực hiện bởi chương trình Ông Mặt Trời và Quỹ Hy vọng), trường Đại học Ngoại thương tiếp tục phát động sân chơi vẽ tranh dành cho trẻ em yếu thế. Dự kiến các tác phẩm sẽ được ban tổ chức lựa chọn để tham dự triển lãm tại nước ngoài. Xem chi tiết tại đây.