Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với em Nguyễn Ngọc Ninh (sinh năm 1996), học sinh lớp 12C6 trường THPT Số 1 Sơn Tịnh, Quảng Ngãi là khuôn mặt rất hiền lành, chân chất nhưng cũng toát lên sự lo toan, vất vả, không hồn nhiên, vô tư như các bạn cùng trang lứa. Từ nhỏ, em đã phải cùng bà nội rong ruổi khắp các đoạn đường thành phố Quảng Ngãi để bán vé số mưu sinh.
Tuy vậy, sự thiếu thốn vật chất vẫn không thể bằng sự thiếu thốn tình cảm, nhất là khi mẹ em phát bệnh tâm thần lúc em còn học lớp 4. Bệnh của mẹ lúc tỉnh lúc mê, sợ nhất là khi mẹ phát bệnh cứ thấy ba anh em là đánh. Hết cơn, tỉnh rồi mẹ lại ôm chầm mấy đứa mà khóc. Do thấy bệnh mẹ không thuyên giảm, nên bà nội đưa hết mấy anh em về ở với bà trong căn nhà nhỏ nằm heo hút dưới chân núi. Ba của Ninh vì cuộc sống quá khó khăn nên cũng vào Sài Gòn kiếm sống với nghề mài dao, mài kéo. Đôi ba tháng được đồng nào, anh gửi về cho bà nội để phụ giúp tiền ăn, tiền học cho mấy đứa, còn mọi chuyện đều trông cậy hết ở bà.
![hinh-1-1385727388-9726-1385948934.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/12/02/hinh-1-1385727388-9726-1385948934.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8BefS3CfWV192geAK-V-Kw)
Ninh và bà nội của mình.
Cuộc sống thiếu thốn, không có sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ có thể với nhiều học sinh khác là sự chán nản, không muốn học, vào đời sớm nhưng với em, dường như em chấp nhận nó như cuộc sống của chính mình và luôn cố gắng hết sức. Từ việc em chẳng nề hà bất cứ chuyện gì để giúp đỡ bà, đến việc tranh thủ những ngày nghỉ đi bán vé số kiếm tiền phụ bà, thế mà em vẫn không bỏ học buổi nào dù con đường đến trường cách xa hơn 10 cây số. Trên lớp, em là một học sinh rất chăm ngoan, lễ phép được thầy cô và bạn bè thương mến.
![hinh-2-1385727436-8279-1385948934.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/12/02/hinh-2-1385727436-8279-1385948934.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=PkDqlBtxnwdOQvge8wnShA)
Hằng ngày, Ninh vẫn chăm chỉ đến trường.
Cậu học trò ấy hồn nhiên khi nói với tôi về ước mơ của mình là muốn học tốt để sau này có một công việc nuôi mẹ và các em. Tôi hiểu ước mơ giản dị đó của em khi nhìn căn phòng nhỏ mà ba anh em và bà nội đang ở. Chỗ tiếp khách, chỗ học, chỗ ngủ, tất tật đều ở trong căn phòng đó. Dưới ánh chiều tà, căn nhà nhỏ nằm lẻ loi trông càng đơn độc.
![hinh-3-1385727477-2839-1385948934.jpg](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2013/12/02/hinh-3-1385727477-2839-1385948934.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=P29rm5R_dG5hgH5bra5LBA)
Căn nhà nhỏ mà ba anh em Ninh và bà nội đang ở.
Bà nội nói năm nay Ninh học lớp 12 rồi nên không cho đi bán vé số nữa để ưu tiên cho việc học. Bà tuổi cũng đã cao, sức yếu, dạo này không hiểu sao một bàn tay cứ run hoài, không thể cầm nắm được vật gì nên đành giao mọi việc cho mấy cháu nhỏ. Đứa em út là Nguyễn Thái Hoà (sinh năm 2000) đang học trường THCS Tịnh Hoà, ngày nghỉ cũng phải đi bán vé số thay anh. Còn đứa giữa là Nguyễn Thị Thuý Hồng (sinh năm 1997) đang học cùng trường với anh, là con gái nên được ưu tiên lo việc nhà. Bà nội nói lo được đến đâu hay đến đó.
Nghe bà em tâm sự tôi như hiểu được phần nào lý do, tại sao cuộc sống quá khó khăn đến như vậy, nhưng em vẫn là một người con ngoan và hiếu thảo. Có lẽ bởi vì xung quanh em vẫn có tình yêu thương, quan tâm, lo lắng từ bà, từ người bố ở xa đến những người hàng xóm, láng giềng và cả những thầy cô giáo đã giảng dạy em từ lúc nhỏ đến bây giờ. Tình yêu thương ấy sẽ tạo động lực giúp em có thêm nghị lực trong cuộc sống cũng như trong học tập. Và tôi cũng mong có một điều kỳ diệu sẽ đến với em, giúp em đi tiếp những chặng đường khó khăn của cuộc đời mình sau này.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Các nhân vật được miêu tả trong bài viết có cơ hội được lựa chọn trở thành nhân vật Thụ hưởng trong Gameshow “Vì bạn xứng đáng” phát sóng trên kênh truyền hình VTV3. Cuộc thi kéo dài đến ngày 19/1/2014. |
Phan Thị Thúy Hạnh