Năm tám tuổi, cô bé nói với tôi là nó rất thích những bộ đồ mẹ nó mặc mỗi khi ở xa về. Đó là bộ quần áo không giống những bộ “đồ bộ” mà các thím dưới quê mà cô bé hay thấy, cái áo đó hơi ngắn, lưng quần hơi cao, mà nếu đứng thẳng lên thì cô bé nghĩ “ồ, trông như một cái váy dài và rộng”. Thế là cô bé nghĩ, sau này khi lớn lên, mỗi ngày nó sẽ có một bộ đồ khác nhau khi đến chỗ làm, tất cả đều mới mẻ và tươm tất như thế đấy. Thật tuyệt!
Năm mười hai tuổi, cô bé nói với gia đình mình, như bao đứa trẻ khác khi được hỏi rằng sau này con sẽ làm gì? Rằng nó thích thành nhà thiết kế thời trang. Câu trả lời bỗng nhiên nghiêm túc hẳn: “Không được đâu, gia đình không có khả năng cho con đi du học và làm nên cái trò trống gì đấy trong thế giới đó”.
Năm mười lăm tuổi, có một lần cô giáo nhìn thấy trong tập giấy trắng dùng để học môn mỹ thuật có rất nhiều mẫu quần áo sinh động, cô bé bảo rằng mình chỉ thích vẽ thế thôi.
Năm đó và mãi những năm về sau, cô bé phải đối diện với những kỳ thi tốt nghiệp, đâu đó thỉnh thoảng cô bé dành tiền mua được cuốn báo Mực Tím, trong đó có chuyên mục về các cuộc thi. Một lần tình cờ cô bé nhìn thấy cuộc thi thiết kế thời trang. Lần đó cũng không rõ là năm nào nữa, cô bé lấy hết can đảm và gửi những mẫu dự thi của mình. Sau đó cô bé chờ đợi, hàng tuần vẫn mua báo về xem, nhưng đợi mãi vẫn chưa thấy bài của mình được đăng trên báo. Dĩ nhiên là cô bé chỉ đợi có thế chứ chẳng dám nghĩ tới việc mình sẽ đoạt giải. Nhưng điều đó cũng không xảy ra, không như trong phim vậy, cứ thích, cứ vẽ rồi sẽ đoạt giải và nổi tiếng sau đó nữa.
Thời gian trôi đi, có đôi lần cô bé hứng khởi kể về một giấc mơ, trong giấc mơ đó cô thấy mình cầm một cuốn tạp chí thời trang, cô thấy ba bộ váy toàn màu đỏ tươi do chính cô làm ra. Giấc mơ ấy cứ ám ảnh cô, đôi lúc nó mạnh mẽ, đôi lúc nó nép mình sau những bộn bề cuộc sống. Nhưng sau những gì trải qua thì giấc mơ đó, hay những mẫu vẽ thời cấp hai đó, hình như không đủ mạnh bằng lời ngăn cản của gia đình khi cô bé phải đưa ra quyết định lựa chọn ngành học cho kì thi đại học. Mãi sau này cô đã là sinh viên ngành tiếng Anh tại một trường công lập với mức học phí tương đối thấp, sau đó cô đi làm bán thời gian cho một cửa hàng thức ăn nhanh. Và cuộc sống hình như đã đi vào guồng, như một cỗ máy đã bắt đầu được tự động hóa, cứ lặp đi lặp lại như thế.
Sau khi tốt nghiệp, cô không may mắn, hay vì một lý do nào đó, để được vào văn phòng một công ty nào đó làm một nhân viên làm giờ hành chính, sáng sáng mặc đồng phục công sở và chiều tan tầm lại hối hả chạy về nhà và cuối tháng nhận tiền lương... Cô lại rơi vào một vòng xoay mới. Cô chọn học nghề may tại một trường trung cấp nghề. Với mức học phí mà cô có thể trả được nhờ công việc tám tiếng tại một nhà hàng gia đình ở gần trung tâm thành phố. Sau đó cô xin vào một xưởng may. Sau tám tiếng làm việc, cô lại chuẩn bị tăng ca buổi tối để doanh nghiệp hoàn thành đơn hàng kịp thời hạn. Một năm sau đó hay mười năm sau đó thì không chắc gì cô thoát khỏi cỗ máy hàng ngày đó được, nếu như cô không muốn. Chính vì thế khi hay tin cô đang chuẩn bị cho cái tên Lynch để sau này gắn nó vào mỗi cái áo mình thiết kế, may đo, tôi tin đó là con đường mà cô đã chọn. Cô sẽ đặt chiếc máy may bên cửa sổ lớn, một cái bàn lớn ngay giữa phòng để trải và cắt vải. Cô sẽ chào đón những người bạn khách hàng ghé chơi bằng nụ cười rạng rỡ... Điều đó nhất định phải là hạnh phúc chứ chẳng phải là nghĩa vụ kiếm tiền để sống.
Có rất nhiều con đường để đi, nhưng cô vẫn kiên quyết chọn con đường của mình để đi tiếp trong suốt cuộc hành trình cuộc sống. Con đường dù dài đến bao nhiêu thì quan trọng vẫn là những bước đầu tiên, phải luôn luôn đúng hướng.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Huỳnh Thị Hà Xuyên