Thứ tư, 27/3/2024, 10:00 (GMT+7)

Nhận định nêu bởi ông Lim Dyi Chang, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng UOB Việt Nam. Theo ông, tuy phải đối diện với thách thức bên trong và bên ngoài nhưng Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp chủ động để kích cầu, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong tầm tay khi quốc gia hình chữ S tiếp tục là một trong những điểm đến FDI hấp dẫn khi có số lượng lớn dự án và vốn đăng ký đang hoạt động.

Theo ông Lim Dyi Chang, kinh tế Việt Nam năm 2024 có triển vọng tích cực, phù hợp xu hướng kinh tế toàn cầu. "Khả năng phục hồi kinh tế và các sáng kiến chiến lược giúp đất nước 100 triệu dân tiếp tục tăng trưởng trước những thách thức toàn cầu", ông đánh giá.

Sáng kiến chiến lược bao quát nhiều lĩnh vực. Đơn cử, đầu tư công được thúc đẩy nhằm kích cầu, tạo việc làm và hoạt động kinh tế. Cải cách cơ cấu, đặc biệt tập trung lĩnh vực năng lượng và ngân hàng, được coi là cần thiết cho tăng trưởng lâu dài, bền vững. Cam kết đầu tư vào lực lượng lao động chất lượng cao cũng là yếu tố quan trọng cho sự thành công của nền kinh tế. Ngoài ra, những cải cách trong hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế nằm ở lĩnh vực FDI. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với số lượng dự án và vốn đăng ký đang hoạt động đáng kể. Tính đến ngày 20/12/2023, FDI vào trong nước đạt 36,61 tỷ USD, với mức giải ngân đạt kỷ lục 23,18 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đất nước đi lên trên bậc thang công nghệ cao, đặc biệt về công nghệ và sản xuất chip. Dòng vốn FDI dự kiến tăng mạnh nhờ sự thúc đẩy bởi các cơ hội trong các lĩnh vực mới nổi này.

Nghiên cứu Triển vọng kinh doanh 2024 do UOB thực hiện cũng cho thấy nhận thức tích cực về môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp. Phần lớn đơn vị kỳ vọng hiệu suất sẽ được cải thiện trong năm nay. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông – viễn thông, công nghiệp và dầu khí bày tỏ triển vọng thuận lợi hơn. Trong khi những thách thức như lạm phát vẫn còn tồn tại, các doanh nghiệp dự đoán tình trạng này sẽ giảm trong vòng 6 tháng đến hai năm tới. Để phát triển tích cực, doanh nghiệp tìm kiếm sự hỗ trợ dưới hình thức giảm thuế, cơ hội hợp tác và đào tạo nhân viên.

"Mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% của Chính phủ là nằm trong tầm tay, được hỗ trợ bởi các tổ chức uy tín như IMF, WB, ADB", ông Lim Dyi Chang nêu.

Những nhận định trên được lãnh đạo UOB nêu dựa trên vị thế sẵn có của Việt Nam. Ông Lim Dyi Chang cho biết, quốc gia 100 triệu dân có vị trí then chốt trong khu vực. GDP đạt tăng trưởng bình quân 6% mỗi năm trong 20 năm qua. Đến năm 2023, GDP đạt 10.200 tỷ đồng (tương đương 430 tỷ USD), tiệm cận các nước lớn còn lại trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines và Malaysia.

Đầu tiên là vị trí chiến lược tiếp giáp nhiều quốc gia, đường bờ biển dài với hơn 290 cảng, dân số vượt mốc 100 triệu với phần lớn trong độ tuổi lao động.

Tầng lớp thu nhập trung bình gia tăng nhanh chóng cũng tạo ra nhu cầu tiêu dùng nội địa mạnh. Tình hình chính trị ổn định, chính sách thân thiện với đầu tư và thương mại nước ngoài. Lãnh đạo UOB sớm nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam trong mạng lưới chuỗi cung ứng của châu Á. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng này sẽ tạo cơ hội cho ngành ngân hàng. Đó là lý do năm qua, nhà băng "bơm" 3.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng con tại Việt Nam.

Ngoài ra, năm qua Việt Nam hút vốn FDI kỷ lục ở mức 23,2 tỷ USD dù nền kinh tế nhiều thách thức. Con số này chứng minh khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của Việt Nam với tư cách là điểm đến đầu tư - đối tác thương mại. Môi trường đầu tư thuận lợi này hình thành từ nhiều yếu tố. Ông Lim Dyi Chang phân tích, năm qua toàn cầu chứng kiến sự dịch chuyển trong chuỗi ung ứng. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19 gây ra và căng thẳng chính trị đã khiến các công ty đa dạng hóa cơ sở sản xuất, rời khỏi một số cường quốc sản xuất truyền thống. 50% số người được hỏi trong khảo sát của EuroCharm bày tỏ ý định tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Điều kiện chính trị ổn định, lực lượng lao động lành nghề và chi phí lao động cạnh tranh khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn.

Tiếp theo, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm hợp lý hóa các quy định kinh doanh và cải thiện cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy một môi trường thân thiện với nhà đầu tư. Đáng chú ý, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho các dự án sản xuất lớn (10% trong 15 năm) góp phần tạo nên sự hấp dẫn. Cơ quan quản lý cũng nhấn mạnh vào sản xuất công nghệ cao và đa dạng hóa xuất khẩu để thu hút đầu tư nước ngoài với xuất khẩu điện tử đạt 57,3 tỷ USD. Ngành dệt may và lĩnh vực máy móc đang phát triển làm nổi bật sức hấp dẫn của Việt Nam trong các lĩnh vực sinh lợi.

Sức hút tiếp theo nằm ở cơ sở hạ tầng. Năm qua toàn quốc có sự đầu tư đáng kể, nhiều dự án lớn hoàn thành. Nổi bật là 475 km đường cao tốc mới, giúp tăng cường kết nối và giải quyết các điểm nghẽn trong kinh doanh.

Trong báo cáo Triển vọng toàn cầu quý II/2024 của UOB cũng chỉ ra: triển vọng kinh tế tích cực của Việt Nam bất chấp suy thoái toàn cầu vào năm 2023 là một dấu hiệu rõ ràng về khả năng phục hồi của đất nước. Các biện pháp hỗ trợ chính sách và phục hồi thương mại bên ngoài sẽ góp phần hơn nữa vào việc vượt qua các thách thức toàn cầu, trở thành hấp lực cho quốc gia hình chữ S.

Tập trung vào điểm sáng tăng trưởng vốn FDI, ông Lim Dyi Chang đưa ra nhiều phân tích trong lĩnh vực này. Theo ông, sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm đầu tư bán dẫn phản ánh liên kết chiến lược với nhu cầu toàn thế giới về sản phẩm công nghệ cao. Xuất khẩu chất bán dẫn của Việt Nam đạt 562 triệu USD từ tháng 2/2022 đến tháng 2/2023, đưa đất nước này trở thành nhà cung cấp châu Á lớn thứ ba cho Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Việc nâng quan hệ của Việt Nam- Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 càng tạo xúc tác cho làn sóng đầu tư bán dẫn mới. Đi cùng, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong nước nhận thức rõ về tầm quan trọng của việc phát triển năng lực trong nước.

Một điểm đáng chú ý khác, dòng vốn FDI phù hợp với xu hướng về nền kinh tế xanh. Loạt chính sách thúc đẩy đầu tư vào năng lượng sạch đã tăng 40% kể từ năm 2020, nguồn vốn hướng vào dự án năng lượng tái tạo cũng tăng đáng kể. Các công ty công nghệ lớn thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng tăng đối với nền kinh tế kỹ thuật số.

Trong bối cảnh này, UOB đưa ra nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2011, nhà băng triển khai Sáng kiến về Trung tâm tư vấn FDI chuyên biệt ở cấp tập đoàn và lần đầu ra mắt Việt Nam hai năm sau đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về cơ hội đầu tư trong khu vực. Trung tâm này đóng vai trò như một nền tảng toàn diện hỗ trợ các công ty hoạt động đầu tư ở thị trường nước ngoài, cung cấp bối cảnh pháp lý, hiểu biết quan trọng về địa phương.

Với 10 trung tâm FDI trên khắp châu Á, UOB tận dụng mạng lưới rộng khắp và kiến thức sâu rộng để cung cấp loạt giải pháp kinh doanh tích hợp. Kể từ khi thành lập, Đơn vị tư vấn FDI của UOB đã chứng kiến sự chuyển dịch đáng chú ý về cơ cấu đầu tư tại Việt Nam, chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều lao động sang lĩnh vực công nghệ, truyền thông và dịch vụ. Điều này phản ánh bối cảnh đang phát triển của nền kinh tế Việt Nam, tập trung vào sản xuất chip công nghệ cao, thị trường kỹ thuật số và du lịch. Phối hợp với Cơ quan xúc tiến FDI tại Việt Nam, Trung tâm Tư vấn FDI của UOB đã tạo điều kiện cho hơn 300 công ty đầu tư vào Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Với xu hướng kinh tế xanh, UOB có nhiều nỗ lực trong việc đơn giản hóa quy định và thiết lập khung pháp lý minh bạch, khuyến khích đầu tư. Ngân hàng tập trung vào năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện, phát triển cơ sở hạ tầng xanh và tài trợ thương mại bền vững, hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Chiến lược của UOB tập trung vào các lĩnh vực như viễn thông, truyền thông và công nghệ (TMT) phù hợp với các động lực chính của thị trường bán dẫn. Ngân hàng dự đoán các cơ hội phát sinh từ loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ áp đặt đối với một số quốc gia, kỳ vọng mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam khi các công ty có khả năng chuyển cơ sở sản xuất sang các nước ASEAN có chi phí thấp. Sự hợp tác của UOB với các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu nhấn mạnh cam kết của ngân hàng trong việc hỗ trợ mở rộng ngành bán dẫn trong nước.

Trước đó, tháng 4/2015, UOB ký Biên bản ghi nhớ với Cục Đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Kể từ đó, đơn vị hỗ trợ hơn 300 công ty đầu tư vào Việt Nam, đóng góp một khoản đầu tư ước tính 6,6 tỷ USD và tạo điều kiện để tạo ra hơn 57.800 việc làm tại Việt Nam. Đơn vị còn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho hơn 1.800 công ty có vốn sở hữu nước ngoài tại Việt Nam.

"Các chính sách thu hút FDI của Chính phủ đã góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và phát triển quan hệ đối tác với các tổ chức tài chính như UOB", lãnh đạo ngân hàng nhận định.

Ông cũng đánh giá Việt Nam có môi trường pháp lý năng động, cam kết về cải cách pháp lý thể hiện rõ qua quỹ đạo đi lên trong bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh. Ngoài ra, các cơ quan xúc tiến đầu tư hiệu quả, đóng vai trò nòng cốt trong việc thu hút FDI. Các mục tiêu kinh tế khá tham vọng, bao gồm GDP bình quân đầu người khoảng 5.000 USD vào năm 2025 thể hiện tầm nhìn dài hạn của Chính phủ. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,1% trong hai năm tới. Đại diện UOB nhấn mạnh sẽ tiếp tục có nhiều chính sách nhằm đồng hành cùng Việt Nam đạt các mục tiêu nêu trên, cam kết hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Nội dung: Thảo Nguyên - Ảnh: UOB - Thiết kế: Thái Hưng